Giành nhiều vinh quang trong sự nghiệp, nhưng chiến thắng lớn nhất trong cuộc đời Earvin “Magic” Johnson chính là trước căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Một buổi sáng tháng 11 lạnh giá năm 1991, cả thế giới sững sờ khi cầu thủ hay nhất NBA năm trước đó Magic Johnson tiết lộ mình bị nhiễm HIV.
Cầu thủ bóng rổ vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ, với dòng nước mắt rưng rưng, bộc bạch: “Vài ngày trước, trong khi xét nghiệm máu để chuẩn bị cho mùa bóng mới, người ta phát hiện ra tôi dương tính với HIV. May mắn cho tôi là những xét nghiệm đối với vợ và các con tôi cho kết quả âm tính. Tôi tin chắc rằng khát vọng sống của tôi sẽ chiến thắng được bệnh tật”.
Magic Johnson trong buổi họp báo lịch sử.
Thời điểm đó, Magic Johnson, với năm chức vô địch NBA và ba lần giành MVP mùa, là VĐV bóng rổ được hâm mộ nhất trên toàn nước Mỹ. Ông là người duy nhất chơi được ở cả năm vị trí trên sân, điều người ta vẫn đang ngợi ca về Giannis Antetokounmpo tại NBA lúc này. Ông cũng là All-Star 11 trong 12 mùa, chỉ bỏ lỡ một lần vì chấn thương gối.
Cuộc họp báo gây sốc nhất trong lịch sử NBA ấy làm rung chuyển nước Mỹ, được ESPN bầu chọn là sự kiện đáng nhớ thứ bảy trong 25 năm cuối thế kỷ 20. Đó là thời điểm, thế giới vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về HIV/AIDS. Nhiều ngôi sao thể thao và giải trí chọn cách im lặng, thay vì công khai thừa nhận mình mắc căn bệnh thế kỷ.
26 năm sau, cũng vào một ngày trong tháng 11, vẫn là Magic Johnson, đăng tải dòng trạng thái khen ngợi hậu bối Lonzo Ball trên mạng xã hội Twitter. Lonzo Ball - hậu vệ của LA Lakers hiện tại, là người trẻ nhất đạt triple-double tại NBA. Còn Magic Johnson, ông là Chủ tịch đội bóng đó, khỏe mạnh, giàu có và vẫn được cả thế giới ngưỡng mộ.
Earvin Magic Johnson còn là một nhà kinh doanh, chuyên gia phân tích thể thao trên truyền hình và là nhà hoạt động về HIV. Làm cách nào ông vẫn sống khỏe cho đến bây giờ?
Câu trả lời được ông đưa ra là phép màu. “Magic”, điều kì diệu, như chính biệt danh của ông. Johnson dùng những loại thuốc điều trị không khác gì những bệnh nhân HIV còn lại tại Mỹ. Mỗi năm, nước Mỹ vẫn phải chứng kiến gần 20.000 người chết vì căn bệnh thế kỷ.
Báo giới Mỹ vẫn thường ví von rằng đó là món quà cho lòng dũng cảm và sự lạc quan đến từ con người đặc biệt này.
Johnson đã nói những điều ông phải nói, với dũng khí và sự tự tin, hệt như khi ông đưa LA Lakers của mình đến những chiến thắng và năm chức vô địch NBA: “Tôi nghĩ mình phải nói. Giữ kín một bí mật chết người bao giờ cũng là một sự hành hạ kinh khủng về thể xác và lương tâm”.
Nhưng ở thời điểm đó, không nhiều người tin là ông sẽ sống, thậm chí sống khỏe, cho đến tận bây giờ. “Tôi nghĩ Magic đã đọc bản tuyên án tử hình cho chính mình”, trích lời Bryan Scott, đồng đội của Johnson. David Stern, cựu Chủ tịch NBA, nghẹn ngào: “Tôi tưởng tượng ra cảnh mình đang dự đám tang của một trong những nhà thể thao vĩ đại và được yêu mến nhất của nhân loại”.
Một số đồng đội công khai phản đối sự có mặt của Johnson vì họ lo sợ có thể nhiễm bệnh nếu ông chấn thương hoặc chảy máu trong khi thi đấu. Dẫu vậy, dù bị nhiễm HIV, Magic Johnson vẫn được chọn vào đội tuyển bóng rổ Mỹ dự Thế vận hội Barcelona 1992.
Đội hình năm đó được cho là mạnh nhất mọi thời đại, với những tên tuổi như Michael Jordan, Larry Bird, John Stockton và Magic Johnson, người thu hút dư luận không chỉ vì ông xuất sắc, mà còn vì ông mang trong mình HIV. Tại đó, Magic Johnson được trải qua những thời khắc đẹp đẽ nhưng cay đắng nhất trong đời. Đó là khi toàn bộ đội tuyển Tây Ban Nha tiến đến và ôm chặt lấy ông, nhằm xoá bỏ những kỳ thị và suy nghĩ sai lầm về những người nhiễm HIV/AIDS. Magic Johnson vẫy tay chào họ, môi nở nụ cười mà mắt đẫm lệ. Ông giải nghệ sau kỳ Olympic đó.
Ông may mắn hơn rất nhiều người nhiễm bệnh và đã chết, trong số đó có huyền thoại quần vợt Arthur Ashe, người sau này được đặt tên cho sân đấu chính của giải Mỹ mở rộng. Arthur Ashe qua đời vì nhiễm AIDS sau một lần truyền máu và Magic Johnson, một người da màu như ông, đã có mặt trong lễ tang ấy.
Người đàn ông 58 tuổi sau đó đã dự hàng trăm lễ tang những người nhiễm HIV/AIDS khác, không đầu hàng, và trở thành đại sứ đặc biệt, đi khắp thế giới để tuyên truyền về căn bệnh này. Ông mang đến cảm hứng và niềm tin về sự sống cho rất nhiều những người cùng cảnh ngộ khác.
Ông xuất hiện trên những show truyền hình đông khán giả nhất nước Mỹ, không ngượng ngùng công khai nguyên nhân tại sao mình rơi xuống địa ngục với căn bệnh thế kỷ. Johnson nói rằng ông đã có quan hệ tình dục với hơn 200 phụ nữ mà không dùng biện pháp bảo vệ, và khuyến cáo công chúng áp dụng tình dục an toàn để bảo vệ chính mình.
"Tôi không hối hận vì những gì đã xảy ra", Johnson khẳng định. "Duy có một điều tôi tiếc nuối là đã đặt gia đình và vợ tôi, Cookie, vào tình thế khó khăn. Những người nhiễm AIDS tồn tại nữa hay không là nhờ ý chí và niềm khao khát sống là chủ yếu, sau đó mới đến thuốc men. Tôi không chết như số phận muốn thế, vì tôi chưa bao giờ hết yêu cuộc sống, yêu những người thân thiết nhất xung quanh tôi. Đã có những khoảng thời gian kinh khủng, khi tôi đi ngủ mà không biết sáng hôm sau có dậy được nữa không. Bây giờ, tôi lạc quan về cuộc sống và những gì Chúa đã cho tôi”.
Bên cạnh danh tiếng mà Johnson có được khi còn khoác áo Lakers, ông khiến tất cả phải ngưỡng mộ vì những gì đã làm được trong 26 năm qua dù là một bệnh nhân HIV/AIDS. Ông sáng lập và điều hành Magic Johnson Enterprises, công ty hiện trị giá gần một tỷ đôla, kinh doanh trong các lĩnh vực rạp chiếu phim, chuỗi cửa hàng Starbucks hay Burger King.
Cùng lúc, ông còn điều hành một quỹ mang tên mình trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS, và là Chủ tịch của CLB LA Lakers, nơi ông từng dành trọn sự nghiệp ở đó. Với số tiền kiếm được từ kinh doanh, Johnson còn đầu tư vào các CLB thể thao tại Los Angeles như đội bóng chày LA Dodgers hay đội bóng rổ nữ LA Sparks.
“Với tôi, Magic Johnson là một người anh hùng, một thần tượng lớn đối với những ai yêu thể thao”, trích lời cựu Tổng thống Mỹ, George H. W. Bush.
Theo vnexpress.net