Kéo co hiện diện lâu đời ở nhiều cộng đồng như một trò diễn - nghi thức quan trọng trong các lễ hội làng, tổ chức vào dịp đầu Xuân, nhằm chính thức khép lại một chu trình nông nghiệp và khởi đầu cho một mùa vụ mới. Kéo co được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Tuy nhiên, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - cái nôi của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng. Kéo co cũng được một số tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam thực hành thường xuyên, như người Tày, Thái, Giáy - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Kéo co phát triển thành môn thể thao hiện đại
Kéo co đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một môn thể thao hiện đại. Môn thể thao này từng xuất hiện trên đấu trường Olympic từ năm 1916 đến 1917. Tuy nhiên, vào năm 1920, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã quyết định giảm số lượng vận động viên tham gia Thế vận hội, dẫn đến việc loại bỏ một số môn thể thao, trong đó có kéo co.
Đến năm 1958, Liên đoàn kéo co Anh được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho môn thể thao này. Hai năm sau, vào năm 1960, Liên đoàn kéo co quốc tế (TWIF) ra đời dưới sự lãnh đạo của George Hutton (người Anh) và Rudolf Ullmark (người Thụy Điển). Cuộc họp đầu tiên của TWIF diễn ra tại Thụy Điển vào năm 1964, cùng năm đó, giải đấu quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Baltic Games ở Malmo, Thụy Điển.
Sau thành công của giải đấu này, TWIF đã tổ chức Giải vô địch châu Âu đầu tiên vào năm 1965 tại Crystal Palace, Anh. Từ đó, Giải vô địch châu Âu được tổ chức đều đặn cho đến năm 1975, khi các quốc gia ngoài châu Âu gia nhập TWIF, giải Vô địch kéo co thế giới đầu tiên đã được tổ chức tại Hà Lan. Hiện nay, giải đấu này diễn ra hai năm một lần.
Năm 1999, TWIF được công nhận tạm thời và đến năm 2002, tổ chức này chính thức được công nhận theo luật 29 của Hiến chương Olympic, khẳng định vị thế của kéo co trong làng thể thao quốc tế.
Với lịch sử lâu đời, kéo co đã trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ hội và sự kiện văn hóa của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Do đó, sự xuất hiện của bộ môn kéo co tại SEA Games 33 mang ý nghĩa biểu tượng của sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng.
Việc đưa kéo co vào chương trình thi đấu của SEA Games 33 không chỉ nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực. Đây là cơ hội để các vận động viên thể hiện tài năng, đồng thời cũng là dịp để khán giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu sắc của bộ môn này.
SEA Games 33 hứa hẹn sẽ mang đến những trận đấu kéo co đầy kịch tính và hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của khu vực Đông Nam Á.
Hoa Hồng