Phải thấy rằng, nhờ có kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên mà lần đầu tiên khán giả hâm mộ thể thao Việt Nam mới được theo dõi trực tiếp thi đấu của một giải bơi cấp thế giới thông qua sóng truyền hình…
|
1. Đòi hỏi các môn thể thao thành tích cao được theo dõi và thu hút đông đảo người xem như bóng đá vô cùng khó. Bóng đá có một đặc thù riêng, là môn túc cầu thể thao vua ai cũng đam mê. Vì thế, những môn thể thao thành tích cao phần nào chỉ được chú ý hơn nếu nó được tranh tài trong các cuộc đấu cấp đại hội. Không chỉ ở ta mà tại các quốc gia trên thế giới cũng vậy.
Lần đầu người hâm mộ được trực tiếp xem Ánh Viên thi đấu ở Nga tại giải VĐTG rõ ràng là bước tiến đáng kể trong việc truyền thông rộng hơn tới người hâm mộ về các môn thể thao ngoài bóng đá. Còn nhớ, năm 2013, Ánh Viên cũng được dự giải VĐTG. Tuy nhiên, lúc đó nếu đòi hỏi sóng truyền hình trực tiếp giải đấu để xem cô gái người Cần Thơ chắc chắn là điều không tưởng. Viên lúc đó chưa nổi, dấu ấn chưa có cũng như sức hút từ môn bơi nói riêng chưa được nhân rộng nên không thể có truyền hình trực tiếp được.
Bây giờ, Ánh Viên đang làm những nhà quản lý thế thao nở mày nở mặt hơn. Ít nhất, người làm chuyên môn cũng thấy được các môn thể thao đang dần được quan tâm rõ rệt hơn. Trước trường hợp của Ánh Viên thì trong tháng 7 vừa rồi, người hâm mộ tại quê nhà đã được mãn nhãn khi theo dõi trực tiếp qua sóng truyền hình tay vợt Lý Hoàng Nam (quần vợt) thi đấu và đoạt vô địch đôi nam giải trẻ Wimbledon 2015 tại Anh. Rồi, đội nữ bóng chuyền Việt Nam dự giải châu Á 2015 cũng được trực tiếp.
Cách đây chừng 5 năm, một kênh truyền hình mới manh nha thành lập đã đi đầu trong việc ký kết hợp đồng bản quyền truuyền hình với nhiều liên đoàn, hiệp hội của nhiều môn thể thao thành tích cao. Không nói về cách họ đã mua được (hay không) bản quyền truyền hình thể thao ra sao.
Rõ ràng, một động thái như vậy làm nhiều người thấy vui vì các môn thể thao của Việt Nam ít nhiều cũng có lợi nhuận thu về từ truyền hình. Thậm chí, chỉ động thái vậy thôi của kênh truyền hình trên khiến nhiều đơn vị truyền hình khác (trong đó có cả VTV) cũng phải tìm cách thương thảo về bản quyền. Tiếc rằng, ý tưởng và cách làm rất hiện đại nhưng việc thực hiện đã không được thành công.
2. Thật ra, cùng thời điểm Ánh Viên đang thi đấu tại Nga, thể thao thành tích cao Việt Nam cũng có rất nhiều ngôi sao hàng đầu đang thi đấu quốc tế như Hà Thanh, Phương Thành (TDDC, thi đấu vô địch châu Á tại Nhật Bản); Quang Liêm, Trường Sơn (cờ vua, thi đấu vô địch châu Á tại UAE)…
Họ đều là những biểu tượng của thể thao thành tích cao Việt Nam hiện tại. Nhưng chắc chắn, trong sức ảnh hưởng và sức hút những môn thể thao của họ chưa cao nên việc truyền hình trực tiếp cũng hạn chế. Từng môn thể thao có những cái khó và điều hấp dẫn riêng. Càng ngày, người hâm mộ càng được theo dõi nhiều hơn các cuộc thi đấu trực tiếp của VĐV Việt Nam khi ra nước ngoài tranh tài là điều ngoài mong đợi. Có lẽ, VĐV thuộc các môn thể thao thành tích cao được lên sóng trực tiếp nhiều nhất trong các lần ra nước ngoài thi đấu không ngoài Tiến Minh (cầu lông).
Trước đây, mỗi khi Tiến Minh dự một số giải quan trọng là chắc chắn, người xem có cơ hội được theo dõi qua truyền hình. Chính thế, càng ngày, người dân càng thích môn cầu lông và phong trào tập môn thể thao trên rất rộng khắp. Hy vọng càng ngày càng nhiều VĐV nổi danh của Việt Nam ra nước ngoài tranh tài và khán giả ngồi tại nhà cũng biết được họ thi đấu ra sao.
Theo thethaovietnam.vn