1 Chấn thương tay
Thường gặp ở người chơi bóng chuyền, nhất là các chấn thương cổ tay, ngón tay và cơ bắp ở cánh tay.
– Biểu hiện: đau khi duỗi thẳng cổ tay và bàn tay, cảm thấy đau khi nâng vật nặng, đau khi nắm chặt tay lại hay cử động các ngón tay. Nhiều khi chỗ ngón tay đau còn bị sưng và bầm tím.
– Nguyên nhân: Chấn thương ở cổ tay thường xảy ra khi cổ tay bị bẻ cong quá mức (gấp vào hay ngửa ra) một cách đột ngột, do cứu bóng chống tay xuống đất. Chấn thương ngón tay do chắn bóng hoặc chuyền bóng (búng bóng) sai kỹ thuật. Chấn thương này dẫn đến tình trạng bong gân, viêm dây chằng, viêm gân cơ duỗi, trật khớp ngón tay hoặc nếu nặng có thể dẫn đến gãy xương ngón tay.
– Sơ cứu: Ngừng chơi ngay, đồng thời chườm lạnh tại chỗ. Có thể dùng băng ép quấn hơi chặt và sau đó lỏng dần ở cổ tay và ngón tay bị thương. Sau đó trong quá trình hồi phục cần mang băng tay khớp cổ tay, băng dính ép khớp ngón tay để trợ lực và tránh căng các nhóm cơ xung quanh. Có thể sử dụng thêm các loại băng dán (salonpas…) giúp mau hồi phục chấn thương gân, cơ, khớp do có sự thẩm thấu của dược chất qua da. Nếu bị đau nặng thì cần sự chăm sóc của bác sỹ chuyên khoa.
2. Chấn thương vai

– Biểu hiện: Có dấu hiệu đau khi vận động khớp vai, vai có cảm giác bị cứng, xoay khớp không bình thường. Ngoài ra có thể có hiện tượng sưng, nhìn thấy một vùng đỏ trên khớp vai, sờ da thấy ấm.
– Nguyên nhân: Chấn thương khớp vai trong bóng chuyền đối với người chơi không chuyên thường do động tác đập bóng không đúng kỹ thuật, khởi động không kỹ. Đây là loại chấn thương cấp tính do giãn, rách dây chằng bao khớp, viêm hoặc rách gân cơ chóp xoay, đặc biệt cơ trên gai (cơ chủ lực trong động tác dang và xoay ngoài khớp vai).
– Sơ cứu: Ngừng chơi ngay, đồng thời chườm đá vùng vai đau trong 15 phút. Sau đó trong quá trình hồi phục cần tập các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng vai hoặc vận động nhẹ nhàng các động tác khớp vai mà không gây đau. Nếu có sưng đỏ ở vùng khớp hoặc hiện tượng đau không giảm cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
3 Chấn thương chân

– Biểu hiện: Các biểu hiện thường gặp ở môn bóng chuyền là đau đầu gối và viêm gân gót chân, vận động đi lại rất khó khăn; đôi khi có thể còn gặp hiện tượng đau bàn chân. Ngoài ra nếu thấy có hiện tượng sưng to gây phù nề ở các khớp cần chú ý có thể chấn thương nặng gây chảy máu bên trong.
– Nguyên nhân: Khớp gối hoặc cổ chân bị vặn xoắn quá mạnh và quá nhanh khi người chơi cố sức dậm nhảy đánh bóng nhiều. Đây là chấn thương do rách sụn nêm, giãn cơ, đứt dây chằng vùng gối, bong gân hoặc thoái hóa sụn khớp cổ chân và và nhóm cơ ở cẳng chân, bàn chân bị giãn hoặc rách.
– Sơ cứu: Dừng ngay hoạt động và chườm nước đá, không nên xoa bóp vùng cơ bị đau. Tiếp tục xử lý bằng cách dùng băng ép quấn vào vùng cơ, khớp bị đau. Nếu có nạng nên sử dụng để đi lại nhằm tạm thời tránh cho các khớp chịu lực đè nén. Sau đó trong quá trình hồi phục nếu có điều kiện chiếu tia hồng ngoại tại vùng cơ bị chấn thương. Nếu bị đau nặng thì cần sự chăm sóc của bác sỹ chuyên khoa.
Theo sanchoi.com.vn