1. Không chịu tập luyện

Cái này thì quá rõ ràng rồi, không tập luyện thì chắc chắn không thể nào tiến bộ được. Bóng rổ hay bất cứ môn thể thao nào đều cần có sự rèn luyện chăm chỉ thì mới mong đạt được sự tiến bộ cho dù bạn có tiềm năng hay tố chất thế nào đi nữa. Tất nhiên, mức độ tiến bộ sẽ còn dựa vào tố chất của bạn thế nào và mức độ tập luyện ra sao.
2. Có tập luyện nhưng không cố gắng
Tập luyện với thái độ… cho có thì cũng giống như bạn đang đi bộ tập thể dục vậy, nó chỉ giúp bạn duy trì chứ không thể giúp bạn tiến bộ nhanh chóng được. Nên nhớ, thành tích của bạn thế nào phụ thuộc vào thái độ lúc bạn tập luyện. Và chỉ có một số ít các vđv bóng rổ nổi tiếng trên thế giới có thái độ cực kì tích cực trong quá trình tập luyện. Họ luôn luôn nổ lực thêm chút nữa, thêm một chút nữa trong khi người khác chấp nhận cho mình nghỉ ngơi sau khi hoàn thành các bài tập. Thêm một điểm khác biệt quan trọng trong thái độ tập luyện giữa một người đánh bình thường và người đánh hay là họ luôn không chỉ chú trọng thực hiện tốt động tác mà còn biến nó trở thành thói quen mỗi ngày. Và như thế, những người đánh hay bước vào trận đấu chỉ như thói quen hàng ngày, điểm Eff (hiệu quả) của họ luôn cao dù cho ở bất cứ vị trí nào.
3. Thiếu sự kiên trì

Nếu như thái độ tập luyện giúp bạn nhanh chóng tiến bộ thì sự kiên trì sẽ tiếp bước cho bạn trở thành tâm điểm của trận đấu. Kiên trì với thái độ tập luyện tích cực từ ngày này qua ngày khác là một thứ cực kì khó đối với những người chỉ chấp nhận ngưỡng thường thường. Luôn có đủ lý do cho việc vắng mặt trong các buổi tập là điều thường thấy ở những người này. Thế nên, không khó hiểu khi họ thể hiện sự tập luyện siêng năng đến mấy cũng không đánh khá hơn được.
Lưu ý: nếu bạn tập luyện vô cùng tích cực trong buổi tập đầu tiên, nhưng qua bữa sau thì không còn đủ sức để duy trì khối lượng tập luyện đó nữa và chấp nhận thỏa hiệp nghỉ ngơi thì bạn đang giết chết sự kiên trì của mình đấy. Và để tránh điều này thì hãy tiếp tục xem xuống điều thứ 4 bên dưới.
4. Thiếu phương pháp

Phương pháp ở đây có nghĩa là nên biết phân chia khối lượng tập và bài tập như thế nào cho phù hợp. Nếu bạn đánh vị trí PG thì nên tập dằn bóng ở mức độ nào, lên rổ ra sao và tập tăng tốc như thế nào (First Step Explosive). Còn nếu là C cao to đen thơm thì phải tập kết hợp với tạ như thế nào để vừa nhanh mà vừa mạnh, không cần chạy quá nhanh nhưng phải thật vững vàng để tranh chấp bóng trên không và cả dưới đất. Chứ nếu C mà bắt nhồi cả mấy tiếng như PG hay SF thì tay chân cứng đơ luôn chứ đừng nói ném rổ hay móc rổ. Tương tự, không thể bắt PG tập tạ với khối lượng như C được. Sau khi đã tìm được phương pháp tập phù hợp thì hãy đọc tiếp bước thứ 5.
5. Thiếu sự đo lường hiệu quả trong thi đấu.
Môn bóng rổ có một đặc điểm khá thú vị đó là có các chỉ số thống kê khá chi tiết mà các môn khác đôi khi không có được (nếu có thì hoặc ít khi sử dụng được hoặc phải áp dụng công nghệ cực kì hiện đại để đo đếm). Còn đối với bóng rổ chúng ta có những con số khá cụ thể như số lần ném rổ, tỉ lệ thành công, cướp bóng, bắt bóng hay kiến tạo… và dựa vào những con số này chúng ta có thể đoán biết khả năng của từng cầu thủ như thế nào. Vd với PG thì phải gia tăng tỉ lệ kiến tạo (Assist) đồng thời hạn chế để bị mất bóng (Turn Over). Hay như Center mà tỉ lệ bắt bóng (Rebound) quá thấp thì nên xem lại cách mình chiếm vị trí như thế nào, sức bật có cần cải thiện thêm không.
Theo sanchoi.com.vn