1. Nguyên lý thăng bằng

Mục tiêu của Judo là tạo sự mất cân bằng để quật ngã địch thủ. Giả sử có một đòn cân, vật B to nặng hơn trái cân C, nằm ở bên trái cứ điểm A. Dù vậy, vật B không nghiêng hẳn xuống mà nó còn thằng bằng với trái cân C. Đó là vì vật B nằm gần cứ điểm A hơn trái cân C. Trong cơ học và vật lý học, mômen lực đối với 1 trục bằng F (lực) x d (cánh tay đòn). Sở dĩ cân được cân bằng vì F1 x d1 = F2 x d2 mặc dù F1>F2 nhưng d1 < d2. Từ cân ta liên hệ với bản thân con người, 2 chân một người có trọng lượng lớn hơn là B, đầu là C. Phía chân sẽ nặng hơn phía đầu vì ở dưới. Hông của người có trọng lượng nhỏ hơn là cứ điểm A. Chân nặng hơn đầu nhưng vì chân (B) gần hông người có trọng lượng nhỏ hơn (A) hơn đầu (C), lại thêm sức tỳ kéo của 2 cánh tay người có trọng lượng nhỏ hơn, cho nên phía đầu trở lại nặng hơn phía chân. Hễ đầu nặng hơn chân thì người nặng lớn bực nào cũng phải mất thăng bằng. Vì vậy, tất nhiên bị người có trọng lượng nhỏ hơn quật ngã xuống đất dễ dàng.
2. Trọng tâm
Trọng tâm càng thấp, vật càng cân bằng. Đối với con người, trọng tâm nằm trong khoảng gần rốn (đan điền). Khi chúng ta đứng dang rộng chân vừa phải thì vững hơn khi đứng 2 chân gần nhau, cũng như khi ta rùn chân xuống thì vững hơn khi đứng thẳng. Xét mối tương quan với trọng tâm, người ta đưa ra khái niệm mặt chân đế: là phần diện tích (S) của vật tiếp xúc với mặt đất. S càng rộng thì vật càng cứng. Từ đo ta xét vị trí trọng tâm so với mặt chân đế, đường thẳng góc với mặt chân đế qua trọng tâm càng ở sát mép của mặt chân đế thì vật càng dễ ngã. Vậy bí quyết để phá thế thủ trong Judo là tìm cách thuận lợi nhất để đẩy đường thẳng góc qua trọng tâm của đối phương ra ngoài mặt chân đế, lúc đó chỉ cần tác động một lực nhỏ là có thể làm đối phương bị ngã.
3. Đòn bẩy

Archimède đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa ngoài không gian, tôi sẽ hất tung trái đất này lên”. Liên hệ thực tế, giả sử ta muốn bẩy hòn đá lên thì ta chỉ cần một điểm tựa O và tác dụng một lực vào đầu kia thì hòn đá sẽ được bẩy lên dễ dàng. Trong Judo ta coi điểm tựa đó là hông khi ép sát vào đối phương khi vào đòn. Ta có thể ví đối phương như một đòn bẩy thẳng đứng mà lực cản là sức bám của chân họ. Muốn bẩy được lực cản này, ta phải tác động một lực ở phần thân trên của họ (kéo, đẩy). Điểm tựa nên chọn càng thấp để “cánh tay đòn” tính từ điểm tựa đến đầu càng dài hơn từ một điểm tựa xuống chân (d2 > d1), lúc đó chỉ cần một lực nhỏ cũng đủ nâng họ lên. Vì vậy trong các đòn ném, khi xoay người ép sát địch thủ, phải hạ thấp hông càng dưới trọng tâm họ càng tốt.
Theo sanchoi.com.vn