Hơn nửa đời gắn bó với bộ môn Đá cầu, tài năng của chàng trai quê gốc Đồng Tháp đã được ghi nhận bằng 9 chức vô địch thế giới, 2 ngôi quán quân SEA Games 22 cùng 2 chiếc HCV tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 tổ chức tại Việt Nam. Niềm đam mê môn thể thao dân tộc đến với Cương từ khi còn rất nhỏ. Từ khi còn là cậu học sinh cấp 2 ở Cao Lãnh, Cương trở thành quán quân trong sự thán phục của bạn bè cùng trang lứa khi tâng được tới hơn 300 lần mà không làm rơi cầu. Không có khó khăn nào có thể cản bước cậu bé này đến với môn thể thao mà mình yêu thích. Không có cầu, Cương tự làm cầu để đá, không có giày thì đi chân đất.
Nói về niềm đam mê Đá cầu, Nguyễn Tuyết Cương tâm sự: "Hồi nhỏ, vì mải mê tập luyện Đá cầu ở Trung tâm thể thao của thị xã rồi của tỉnh nên nhiều lần tôi đã trốn học. Rồi ham quá, khi thi đấu lại có thành tích nên tôi quyết định theo chuyên nghiệp luôn". Mặc dù phải bỏ học để theo nghiệp thể thao, thành tích gặt hái được trong sự nghiệp đã không phụ sự dày công tập luyện của chàng trai chân chất này.
Chia sẻ về kỷ niệm đối với những chiếc HCV giành được trong sự nghiệp thi đấu của mình, Cương cho biết: "mỗi tấm HCV đều là niềm vui, niềm tự hào của bản thân". Chiếc HCV đầu tiên tại Hội khỏe Phù Đổng tổ chức ở Hải Phòng vào năm 1996 được coi là dấu ấn khởi đầu cho sự nghiệp thi đấu của Nguyễn Tuyết Cương. Còn tấm HCV tại giải vô địch quốc gia năm 1999 có ý nghĩa quan trọng khi ghi dấu sự gắn bó lâu dài của chân cầu Vàng Đồng Tháp với nghiệp thể thao cho đến ngày hôm nay.
Lạ lùng hơn cả khi Cương tuyên bố rằng chín HCV giành được tại bốn giải vô địch thế giới "không thấy sướng" bằng hai tấm HCV giành được trên sân nhà tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3, bởi cảm giác lúc đó thấy mình giống một ngôi sao. Đó cũng là những huy chương thay cho lời tri ân ngọt ngào mà Tuyết Cương gửi tới người hâm mộ đã đồng hành cùng anh trên suốt chặng đường trước khi chính thức nói lời chia tay với nghiệp VĐV.
Sau Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2010, Tuyết Cương chính thức chuyển sang làm công tác huấn luyện. Tính cách điềm đạm, tinh thần và niềm đam mê với nghề đã giúp Cương tiếp tục thành công trên cương vị HLV của tuyển Đá cầu Đồng Tháp. Tuyết Cương đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra thế hệ Vàng của Đá Cầu Việt Nam gồm: Lê Thanh Tuấn, Nguyễn Thị Bích Trăm, Nguyễn Thị Thủy Tiên, Lê Thị Bé Sáu, Lê Thanh Điền...
Luôn đồng hành cùng thế hệ đàn em trên sàn đấu cũng như sân tập, sự gần gũi, điềm đạm trong phong cách chỉ đạo thi đấu của người anh, người HLV này đã góp phần không nhỏ giúp Đá cầu Đồng Tháp ghi dấu ấn tại các giải đấu trong nước và thế giới như: Tại giải vô địch Đá cầu thế giới năm 2013 diễn ra ở Đồng Tháp, Nguyễn Thị Bích Trăm và Lê Thanh Tuấn đã góp phần giành 2 trong số 3 HCV mà Đá cầu Việt Nam giành được tại giải. Hay tại giải Vô địch Đá cầu thế giới lần thứ VIII - năm 2015 tại Roma (Italia), Nguyễn Thị Thủy Tiên, Lê Thanh Tuấn, Trần Thanh Điền và Nguyễn Thị Bích Trăm cũng góp phần giành 2 trong số 4 HCV của Đá cầu Việt Nam, vượt qua Trung Quốc 1 HCV, bảo vệ thành công chức vô địch thế giới và lần thứ 8 liên tiếp giành ngôi nhất toàn đoàn từ ngày giải đấu được tổ chức.
Bên cạnh đó, tuyển Đá cầu Đồng Tháp còn khẳng định được đẳng cấp ở các giải toàn quốc nhiều năm qua không chỉ ở nhóm tuyển, mà còn ở các giải trẻ, qua đó thể hiện được “bản lĩnh” của một trong những địa phương hàng đầu quốc gia. Kết quả này cũng cho thấy công tác đào tạo VĐV kế thừa được quan tâm và thực hiện hiệu quả.
Để tiếp tục phát triển các thế hệ cho Đá cầu Đồng Tháp trong tương lai, HLV Nguyễn Tuyết Cương cũng cùng Ban huấn luyện xây dựng kế hoạch trong đó có việc tiến hành khảo sát mở các lớp trọng điểm đào tạo Đá cầu ở Thị xã Hồng Ngự và huyện Thanh Bình nhằm tiềm kiếm những VĐV có năng khiếu để bổ sung lực lượng vào đầu năm 2016. Cũng trong năm 2016, bộ môn lên kế hoạch thi đấu tập huấn với Thành phố Hồ Chí Minh và có chuyến tập huấn tại Trung Quốc, tạo điều kiện cho VĐV cọ xát, nâng cao trình độ.
Theo thethaovietnam.vn