ĐIỀU 11: THI ĐẤU

11.1. Bóng trong cuộc:
Pha bóng bắt đầu vào lúc có hiệu còi của trọng tài thứ nhất. Bóng trong cuộc được tính từ lúc người phát bóng đánh bóng đi.
11.2. Bóng ngoài cuộc (bóng chết):
Pha bóng kết thúc khi có hiệu còi của trọng tài. Nếu thổi còi phạm lỗi thì tính bóng ngoài cuộc từ thời điểm phạm lỗi (Điều 12.2.2).
11.3. Bóng trong sân:
Bóng trong sân khi bóng chạm phần trong sân kể cả các đường biên (Điều 1.3).
11.4. Bóng ngoài sân:
Bóng ngoài sân khi:
a- Bóng chạm sân hoàn toàn bên ngoài các đường biên (không chạm vào đường biên);
b- Chạm một vật cản ngoài sân, hoặc người ngoài cuộc.
c- Chạm ăng ten, dây buộc, cột lưới hoặc phần lưới phía ngoài băng giới hạn;
d- Khi phát bóng, bóng bay qua mặt phẳng đứng của lưới, nhưng toàn bộ hoặc một phần ở bên ngoài không gian bóng qua (Điều 14.1.3, Hình 3).
ĐIỀU 12: CÁC LỖI TRONG ĐÁNH BÓNG
12.1. Định nghĩa:
12.1.1. Bất cứ hành động nào trái với Luật đều là phạm lỗi.
12.1.2. Trọng tài xem xét lỗi và quyết định phạt theo các điều Luật này.
12.2. Các hình thức phạt lỗi:
12.2.1. Phạm lỗi phải bị phạt: Đội này phạm lỗi thì đội kia thắng pha bóng đó theo Điều 7.3.
12.2.2. Nếu phạm hai hay nhiều lỗi liên tiếp, thì chỉ tính lỗi đầu tiên.
12.2.3. Nếu hai đội đồng thời phạm hai hay nhiều lỗi, thì tính cùng phạm lỗi và đánh lại pha bóng đó.
ĐIỀU 13: ĐÁNH BÓNG

13.1. Số lần chạm bóng của một đội:
13.1.1. Một đội có quyền chạm bóng tối đa 3 lần để đưa bóng qua sân đối phương.
13.1.2. Số lần chạm bóng được tính cả khi cầu thủ cố tình và vô tình chạm bóng.
13.1.3. Một cầu thủ không được chạm bóng hai lần liên tiếp (trừ chắn bóng, Điều 18.2).
13.2. Cùng chạm bóng:
13.2.1. Hai cầu thủ có thể chạm bóng trong cùng một thời điểm.
13.2.2. Khi hai cầu thủ một đội cùng chạm bóng thì tính hai lần chạm bóng (trừ chắn bóng, Điều 18.4.2).
Nếu hai cầu thủ một đội cùng đến gần bóng nhưng chỉ có một người chạm bóng thì tính một lần chạm.
Các cầu thủ va vào nhau thì không coi là phạm lỗi.
13.2.3. Nếu cầu thủ của hai đội cùng chạm bóng trên lưới và bóng còn trong cuộc, đội đỡ bóng được chạm tiếp 3 lần.
Nếu bóng ra ngoài sân bên nào, thì đội bên kia phạm lỗi.
Nếu cầu thủ của hai đội cùng “giữ” bóng trên lưới, thì không tính lỗi dính bóng.
13.3. Hỗ trợ đánh bóng:
Trong khu thi đấu, cầu thủ không được phép lợi dụng sự hỗ trợ từ đồng đội hoặc bất cứ vật gì để với tới bóng. Tuy nhiên, nếu một cầu thủ sắp sửa phạm lỗi (chạm lưới hay làm ảnh hưởng đối phương v.v…) có thể được đồng đội ngăn hoặc giữ lại.
13.4. Tính chất chạm bóng:
13.4.1. Bóng có thể chạm mọi phần của thân thể.
13.4.2. Bóng phải được đánh đi không dính, không được giữ lại hoặc ném. Bóng có thể nẩy ra theo bất cứ hướng nào.
Ngoại lệ:
a- Khi dùng chuyền bóng cao tay phòng thủ một quả bóng đập mạnh, bóng có thể “dừng” lại trong tay một khoảnh khắc vẫn không tính là dính bóng.
b- Khi cầu thủ hai đội cùng chạm và giữ bóng “lâu” trên lưới.
13.4.3. Bóng có thể chạm nhiều phần thân thể nhưng phải cùng một lúc.
Ngoại lệ:
a- Khi chắn bóng, có thể chạm bóng liên tục (Điều 18.4.2) do một hay nhiều cầu thủ chắn bóng nhưng những tiếp xúc đó phải xảy ra trong một hành động.
b- Ở lần chạm bóng đầu tiên của một đội, trừ trường hợp cầu thủ dùng chuyền bóng cao tay (trừ Điều 13.4.2a), bóng có thể chạm liên tiếp nhiều phần khác nhau của cơ thể, nhưng những lần tiếp xúc đó phải xảy ra trong một hành động.
13.5. Các lỗi trong đánh bóng:
13.5.1. 4 lần chạm bóng: Một đội chạm bóng 4 lần trước khi đưa bóng qua (Điều 13.1.1).
13.5.2. Hỗ trợ đánh bóng: Một cầu thủ lợi dụng giúp đỡ của đồng đội hoặc bất cứ vật gì để chạm bóng trong khu sân đấu (Điều 13.3).
13.5.3. Giữ bóng (dính bóng): Cầu thủ đánh bóng đi không dứt khoát (Điều 13.4.2) trừ khi phòng thủ quả bóng đập mạnh của đối phương (Điều 13.4.2a) hay khi cầu thủ hai đội cùng chạm bóng lâu trên lưới dẫn đến giữ bóng (Điều 13.3.2b).
13.5.4. Chạm bóng hai lần: Một cầu đánh bóng hai lần liền hoặc liên tiếp chạm các phần khác nhau của cơ thể (Điều 13.1.3; 13.4.3).
Theo sanchoi.vn