ĐIỀU 24: TỔ TRỌNG TÀI VÀ THỦ TỤC
24.1. Thành phần:
Tổ trọng tài điều khiển trận đấu gồm:
– Trọng tài thứ nhất.
– Trọng tài thứ hai.
– Thư ký.
– Bốn (hai) giám biên.
Vị trí các trọng tài theo hình sau:

24.2. Thủ tục:
24.2.1. Chỉ có trọng tài thứ nhất và trọng tài thứ hai mới được thổi còi trong trận đấu.
24.2.2. Khi bóng ngoài cuộc, hai trọng tài có thể thổi còi cho phép hoặc bác bỏ yêu cầu của một cầu thủ.
24.2.3. Ngay sau khi thổi còi ra hiệu kết thúc một pha bóng, trọng tài phải ra ký hiệu chính thức (Điều 29.1) chỉ rõ:
a- Đội được quyền phát bóng.
b- Tên lỗi (khi cần).
c- Cầu thủ phạm lỗi (khi cần).
ĐIỀU 25: TRỌNG TÀI THỨ NHẤT

25.1. Vị trí:
Khi làm nhiệm vụ, trọng tài thứ nhất ngồi hoặc đứng trên ghế trọng tài đặt ở một đầu lưới, với tầm nhìn phải cao hơn mép trên của lưới 50cm.
25.2. Quyền hạn:
25.2.1. Trọng tài thứ nhất điều khiển trận đấu từ đầu đến cuối, có toàn quyền với tất cả các thành viên tổ trọng tài và hai đội.
Trong trận đấu, quyết định của trọng tài thứ nhất tuyệt đối. Trọng tài thứ nhất có quyền phủ quyết quyết định của các trọng tài khác nếu thấy chắc chắn sai lầm. Trọng tài thứ nhất có thể thay các trọng tài khác nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ.
25.2.2. Trọng tài thứ nhất kiểm tra công việc của người nhặt bóng.
25.2.3. Có quyền quyết định bất cứ việc gì liên quan đến trận đấu kể cả những vấn đề Luật không quy định.
25.2.4. Không cho phép bất cứ tranh lụân nào về các quyết định của mình. Tuy vậy, khi có cầu thủ đề nghị, trọng tài thứ nhất cần giải thích về đề nghị đó hoặc làm sáng tỏ Luật trên cơ sở các quyết định của mình. Nếu cầu thủ không nhất trí với giải thích của trọng tài và xin ghi khiếu nại vào biên bản thi đấu sau khi kết thúc trận đấu thì trọng tài thứ nhất cho phép điều này.
Trong các cuộc thi đấu của FIVB, Ban tổ chức phải xem xét và quyết định ngay các khiếu nại để không ảnh hưởng đến lịch thi đấu.
25.2.5. Trọng tài thứ nhất chịu trách nhiệm với các quyết định trước trong và sau trận đấu về sân bãi và các điều kiện phục vụ cho thi đấu.
25.3. Trách nhiệm:
25.3.1. Trước trận đấu, trọng tài thứ nhất phải:
a- Kiểm tra sân bãi, bóng và thiết bị thi đấu.
b- Thực hiện bắt thăm với hai đội trưởng.
c- Kiểm tra khởi động của các đội.
25.3.2. Trong trận đấu, chỉ có trọng tài thứ nhất mới có quyền:
a- Phạt thái độ xấu và trì hoãn.
b- Quyết định:
– Các lỗi của người phát bóng.
– Lỗi hàng rào che.
– Các lỗi về đánh bóng.
– Các lỗi trên lưới và khoảng không trên lưới.
ĐIỀU 26: TRỌNG TÀI THỨ HAI
26.1. Vị trí:
Trọng tài thứ hai đứng đối diện bên ngoài sân trước mặt trọng tài thứ nhất, gần cột lưới để làm nhiệm vụ.
26.2. Quyền hạn:
26.2.1. Trọng tài thứ hai là người giúp trọng tài thứ nhất, nhưng cũng có phạm vi quyền hạn riêng của mình (Điều 26.3). Khi trọng tài thứ nhất không thể tiếp tục công việc, trọng tài thứ hai có thể thay thế.
26.2.2. Trọng tài thứ hai có thể làm hiệu chỉ những lỗi ngoài phạm vi quyền hạn của mình, nhưng không được thổi còi và cố tình khẳng định các ký hiệu đó với trọng tài thứ nhất.
26.2.3. Kiểm tra công việc của thư ký.
26.2.4. Có quyền cho tạm dừng và đổi sân, kiểm tra thời gian và từ chối các yêu cầu không hợp lệ.
26.2.5. Kiểm tra số lần xin tạm dừng của mỗi đội và báo cho trọng tài thứ nhất và các cầu thủ biết đã tạm ngừng 2 lần.
26.2.6. Trường hợp có cầu thủ bị chấn thương, trọng tài thứ hai có quyền cho phép thời gian hồi phục (Điều 21.1.2).
26.2.7. Trong thời gian thi đấu, trọng tài thứ hai kiểm tra bóng có đủ điều kiện theo Luật không.
26.3. Trách nhiệm:
26.3.1. Trong trận đấu, trọng tài thứ hai phải xác định lỗi, thổi còi và ra ký hiệu:
a- Lỗi chạm phần dưới lưới và cột ăngten của cầu thủ ở phần sân mình đứng (Điều 15.3.1);
b- Lỗi xâm nhập sân đối phương và không gian dưới lưới gây cản trở đối phương chơi bóng (Điều 15.2).
c- Bóng ngoài không gian bóng qua của lưới sang sân đối phương, chạm cột ăngten bên phần sân mình đứng (Điều 11.4).
d- Bóng chạm vật bên ngoài.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Theo sanchoi.vn