Khi bạn quyết tâm lấy lại hình thể bằng cách lên lịch tập giảm cân, bạn sẽ gặp tình huống như sau: trong vòng vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng đầu tiên, mọi thứ thật hoàn hảo, bạn cảm thấy cơ thể mình thon thả hơn, cân nặng giảm xuống vù vù và tràn đầy sức sống. Nhưng sau đó, các chỉ số bắt đầu ngừng nhúc nhích. Tuy nhiên, đừng để điều đó làm bạn nhụt chí, đây chính là cơ hội để bạn xem lại và thay đổi kế hoạch tập luyện của mình vì có thể bạn đã làm sai điều gì đó.
1. Tập một bài quá nhiều
Nếu có niềm đam mê cho một hình thức tập luyện nào đó thì cũng tốt, chẳng hạn như đạp xe, Zumba, tập ballet hay tập chạy. Nhưng nếu đó là tất cả những gì bạn thực hiện, kỹ năng của bạn đối với bài tập đó sẽ rất hoàn thiện, và rồi tất cả những sự thay đổi về mặt hình thể mà bạn đã đạt được đều sẽ biến mất. Chính vì thế, hãy thử những cái mới và phải có mục đích cụ thể, chẳng hạn như muốn tăng cơ thì nên tập tăng cường sức, còn muốn tăng độ linh hoạt thì tập Yoga.
2. Chưa thử thách bản thân đúng mức
Khi nói đến chuyện tập giảm cân, những bài tập ở cường độ cao hiệu quả hơn nhiều so với thời gian tập. Cơ thể bạn có xu hướng thích nghi nhanh chóng với những bài tập đều đều, chẳng hạn như chạy bộ hay tập bằng máy chạy. Nên kết hợp chúng với những bài tập cardio khác nhau, những bài tập chạy ngắt quãng hoặc bài tập ngắt quãng ở cường độ cao. Chính vì thế để đạt hiệu quả, chẳng hạn như tập tạ, bạn cần phải luân phiên thay đổi các mức tạ từ nhẹ đến trung bình đến nặng và chia đều ra mỗi ngày tập một mức tạ.
3. Ăn quá nhiều
Đây là trường hợp phổ biến, máy đo nhịp tim cho biết bạn đã đốt 800 calo, chính vì thế bạn sẽ nghĩ rằng sau đó ăn uống thỏa thuê một buổi cũng chẳng sao. Tuy nhiên trong thực tế, các loại máy móc thường tính sai lượng calo bị đốt cháy. Nếu đã muốn giảm cân thì cần kiềm chế bớt trong khâu ăn uống và cũng nên nhớ thêm rằng calo lỏng thì cũng là calo.
4. Mệt mỏi hay stress quá mức
Điều cần thiết là phải có sự cân bằng giữa luyện tập, ăn uống và nghỉ ngơi. Nếu bạn ngủ không đủ giấc hoặc cảm thấy quá áp lực sau giờ làm, cơ thể sẽ không thích nghi tốt với bài tập. Giấc ngủ là điều cần thiết để hồi phục cơ bắp sau những giờ tập căng thẳng, và stress có thể làm đảo lộn hoóc-môn, khiến cơ thể tích tụ chất béo. Cố gắng ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày.
5. Ngồi quá nhiều những lúc không tập
“Ngồi nhiều” là căn bệnh còn nguy hiểm hơn cả những thứ độc hại nhất như thuốc lá, đồ ăn nhanh và rượu bia, và nó cũng khó “trị” hơn vì có quá nhiều công việc đòi hỏi phải ngồi hầu như là suốt ngày. Thường xuyên luyện tập là một cách phòng chống hiệu quả, nhưng nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy những người thường xuyên vận động, không phải chỉ trong phòng gym mà còn trong cuộc sống hàng ngày, là những người thon thả và có dáng chuẩn nhất. Vì vậy cần giảm bớt thời gian ngồi hằng ngày bằng cách đi lại khi nói chuyện điện thoại, đứng dậy để lấy đồ ăn trưa, đi cầu thang bộ… tóm lại là dùng chân càng nhiều càng tốt.
6. Quá khắt khe với bản thân
Ở trường hợp này thì vấn đề có lẽ không nằm ở kết quả mà nằm ở kỳ vọng của bản thân bạn. Có rất nhiều người tự vạch ra cho mình một kết quả rất hoàn hảo ngay cả khi chưa bắt đầu thực hiện, và khi mọi việc không đạt đến kỳ vọng, điều họ nhìn thấy chỉ là sự thất vọng. Hoặc cũng có thể họ quá tập trung vào những “vấn đề” mà bỏ qua những tiến bộ tích cực. Hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân mình: Bạn có ngủ ngon giấc không kể từ ngày bắt đầu tập luyện? Leo cầu thang và vác đồ đạc khi đi chợ có dễ dàng đối với bạn không? Bạn có dành ra thời gian để nhận thấy những chiếc quần jean của mình đã vừa vặn hơn nhiều không? Bạn có cảm thấy vui vẻ hơn so với thời trước khi tập không?