Tuần này, các xe đua sẽ trở lại tranh tài ở đường đua nổi tiếng nhất làng F1 tại công quốc Monaco. Dưới đây là phân tích của VnExpress, để bạn đọc hình dung cách thi đấu ở trường đua đặc biệt này.
Monaco là trường đua đặc biệt nhất của F1.
Nhân tố cự kỳ quan trọng trong một chiếc xe đua là lực nén đã giảm đi so với năm ngoái, trong khi mômen xoắn của xe 2014 lại lớn gần như gấp đôi. Do vậy, việc kiểm soát xe vốn đã khó nay càng trở nên vất vả hơn bội phần, và chặng đua ở Monaco vì vậy được đánh giá là khó nhất.
Có vô số lý thuyết cần phải nắm vững trước khi ngồi vào xe đua chinh phục Monte Carlo. Hai tay thao tác nhanh như điện, thần kinh căng như dây chão. Cơ hội vượt mặt đối thủ gần như không xuất hiện tại đây cho dù bạn sở hữu một chiếc xe mạnh mẽ hơn, trừ khi đối thủ tự mắc lỗi. Một số nơi như khúc cua đầu tiên, hay hairpin sẽ có cơ hội vượt nhau tại những vòng đầu tiên, bởi thời điểm này khoảng cách giữa các xe chưa lớn. Nhưng một khi đoàn đua đã ổn định thì vượt nhau tại hai nơi này gần như là không thể.
Về mặt cài đặt, chiếc xe yêu cầu lực nén ở mức tối đa. Van tiết lưu chỉ mở hết cỡ trong 53% thời gian một vòng chạy, bởi không có nhiều đoạn đường đủ dài để bạn đạp hết ga tại Monaco. Cấp số cao nhất xe lên được chỉ là số sáu. Trong khi đó, lốp mềm và siêu mềm sẽ là những chọn lựa được Pirelli đem tới. Theo nhận định ban đầu, năm nay ai giữ lốp sau tốt nhất, người đó sẽ làm chủ cuộc chơi ở đây.
Có hai điểm khác biệt so với mọi trường đua khác là Monaco GP tổ chức hai lượt chạy thử đầu tiên vào ngày thứ 5 thay vì thứ 6 như thông thường, để đảm bảo giao thông không bị gián đoạn quá nhiều. Ngoài ra, ba tay lái về đích đầu tiên sẽ nhận Cup trước rồi mới được nghe quốc ca.
Sơ đồ trường đua Monte Carlo
Sau đây chúng ta khám phá bí quyết của một vòng chạy hoàn hảo tại Monaco:
Từ đường thẳng chính ở số 6, tốc độ 270km/h, về số 3 để vào khúc cua đầu tiên-T1, Saint. Devote, một khúc cua phải 90 độ. Bạn cần chạy sát tường rào bên trái trước khi phanh bởi khúc cua này rất hẹp. Nơi đây thường xảy ra tai nạn lúc xuất phát. Đoạn đường sau đó hướng lên dốc, dẫn tới T2 khá sóc. Khi qua T2 , phải cố gắng điều khiển xe chạy theo một đường thẳng nhất có thể.
Qua T2, khi lên đến đỉnh dốc Massanet, T3, có cảm giác xe rất nhẹ, đến lúc nhận thấy cả chiếc xe như thể đang "hạ cánh", đó là lúc bạn cần đạp phanh ngay. Vấn đề ở đây là phải vừa đánh lái, vừa đạp phanh. Nhưng không được phanh quá thô bạo nếu không muốn xe mất ổn định, vì bánh sau sẽ quay khá nhanh, nên rất dễ va vào tường chắn. Khúc cua T3 này rất khó, nhất là về cuối chặng đua thời điểm lốp bị vón cục bề mặt và có nhiều vụn lốp vương vãi trên mặt đường đua, nó đòi hỏi rất nhiều tự tin của tay lái để tiếp cận thành công. Bạn có thể sẽ lao vào tường trước khi kịp nhận ra là mình vừa mắc lỗi tại đây. Trong khi đó, vẫn buộc phải cố chạy thật sát kerb (lề đường), đặc biệt là ở đoạn giữa khúc cua, để giữ đúng làn đường vào T4.
Tiếp theo là T4, ngay trước cửa Casino, từ khi hệ thống Kiểm soát lực kéo bị loại bỏ khiến cho việc kiểm soát sức mạnh của xe qua T4 trở nên khó hơn. Đoạn này khá đặc biệt, mặt đường phía bên trái hơi vồng lên, đó là lí do tại sao tất cả các tay lái khi qua đây đều phải lượn sang phải, nhằm tránh việc bị chạm gầm xe. Nhưng cách mỗi người vào khúc cua này khác nhau, người thì lượn cả xe sang phải, người chỉ lượn nửa xe, vừa đủ để tránh cho hệ treo bị tổn thương. Nếu lượn hết cả thân cả xe, nghĩa là bạn đã tự tạo ra thêm một chicane (khúc cua hình chữ chi) - thứ vốn đã có quá nhiều tại trường đua này, bởi sau đó xe cần quay lại làn đường bên trái để chuẩn bị cho một khúc cua phải tiếp theo.
Mở đầu phần 2 - phần chậm nhất trong lịch đua là T5. Khúc cua này hơi dốc, tay lái đạp phanh thật mạnh trước khi vào cua và phải kiên nhẫn chờ bởi lúc đầu phần mũi xe rất nhẹ, sau đó khi xe bám đường rồi thì mới có thể bắt đầu nhấn ga.
Khúc cua gắt nhất trong lịch đua.
Khi qua T5, xe sẽ tới một hairpin (khúc cua), đây là khúc cua gắt nhất trong tất cả các trường đua hiện tại. Và vì nó quá gắt nên nhiều đội phải thiết kế lại vô lăng và hệ thống treo của xe để thích ứng. Trong quá khứ với hộp số 7 cấp, xe đua vào cua ở số 1 nhưng năm nay có thể lên số 2. Hairpin này rất gắt nhưng thực tế vẫn có cơ hội vượt, nếu mật độ xe đông đúc ở đây. Vào cua này khá dễ, chỉ cần khóa bánh trước bên trái và đánh hết lái. Các thao tác mà đôi tay phải thực hiện trước và sau khi qua hairpin này cần phải rất nhanh gọn, dứt khoát, và chính xác. Nếu các bánh sau không được cân bằng tốt thì đây là sẽ phần đường đua khiến bạn bận rộn nhất.
Sau đó, xe chạy một đoạn ngắn trước khi tiến vào Mirabeau Bas, một khúc cua phải 90 độ, nơi bạn phải chạy đè lên lề đường với diện tích tiếp xúc của lốp và lề đường là lớn tối đa. Khi thoát cua cần phải chú ý bởi lốp sau có thể mất ổn định nếu bạn bị đã trượt bánh khi vượt qua hairpin trước đó, điều này sẽ ảnh hưởng tới lực kéo của xe.
Sau T7, bạn thậm chí sẽ chẳng có đủ thời gian để thở một nhịp bởi ngay kế tiếp là T8, Portier, khúc cua này cực khó vì khoảng cách vô cùng hẹp giữa xe và hàng rào. Tuy vậy, quá trình thoát Portier lại rất quan trọng do sau đó bạn sẽ bước vào một đoạn đường hiếm hoi trong cả trường đua nơi van tiết lưu sẽ được mở hết cỡ. Đoạn này nổi tiếng nhất ở Monte Carlo, và là nơi duy nhất mang đến cơ hội vượt nhau, dù chỉ trên lý thuyết là chủ yếu: Đường hầm.
Khi chạy qua hầm, xe sẽ mất tầm 20-30 % lực nén do đăc tính khi động học trong hầm khác trên đường đua. Nếu trời đổ mưa thì sẽ là một vấn đề bởi toàn bộ phần còn lại trên đường đua ướt sũng, riêng đường trong hầm thì lại khô. Năm 1984, trời mưa, thậm chí Bernie Ecclestone còn phải cho đổ nước ra đường hầm để xóa đi sự khác biệt này. Còn bây giờ thì chuyện đó không xảy ra nữa. Trong đường hầm có T9, với đỉnh khúc cua rất hẹp và nằm sát tường. Điều này hay gây cảm giác “cóng” cho những ai mới đến đua lần đầu ở Monte Carlo. Họ thường mất khoảng 4 đến 5 vòng chạy thử để làm quen với T9 rồi mới có đủ cam đảm để đạp hết chân ga khi chạy qua hầm.
Khúc cua số 9 nằm trong đường hầm.
Vùng phanh sau đó hơi mấp mô và dốc nên việc khóa một bánh trước khá đơn giản. Ngoài ra, sau khi thoát hầm ra chicane rất dễ bị tai nạn. Trong quá khứ, khi chưa có các tiếng “bíp” hỗ trợ quá trình đạp phanh như năm nay, tay lái thường gặp khó khăn trong việc tìm điểm phanh bởi nó bị khuất sau hàng rào. Tốc độ tối đa khi ra khỏi hầm chỉ khoảng 280 km/h, ở số 6. Về lý do gọi cơ hội vượt tại đây là khó khả thi dù là điểm ‘’dễ’’ thực hiện nhất ở Monaco, bởi nó thường chỉ đến khi xe phía trước gặp vấn đề về lực kéo do lốp mòn. Còn không, bạn sẽ chẳng tận dụng được gì, dù có cố gắng đến mấy và sở hữu chiếc xe khỏe hơn.
Đó là một chicane, bao gồm T10 và T11. Bạn có thể nhanh hơn mình tưởng khi điều khiển xe qua chicane này nên phải chạy chính xác vệt đường từng cm để đảm bảo không va vào tường chắn.
Sau đó xe sẽ lăn bánh qua khúc cua Tabac. Chạy qua Tabac mà không mắc lỗi là một thử thách thực sự với bất cứ ai. Cua trái, 90 độ, ở tốc độ khá cao, và một lần nữa lại phải cố chạy sát hàng rào ở đỉnh khúc cua để sau đó mở cua thật rộng. Xe cần văng đầu để tiếp cận khúc cua này tốt hơn.
Vượt qua T12, đoạn tiếp theo mang tên “Swimming Pool”, khá thú vị bởi nó bao gồm một chicane tại tốc độ cao, số 5, 225km/h. Xe sẽ hơi nẩy lên trên kerb và bạn sẽ bị văng đầu một chút khi mới ôm cua. Các tay lái có xe đua tốt có thể vượt qua chicane này mà không cần phải nhả chân ga.
Chicane tốc độ cao bao gồm T13 và T14.
T15, 16 sau đó lại là một chicane khác. Xe qua chicane này phải cố chạy đè lên kerb nhiều hết mức có thể nhưng vẫn phải đảm bảo không chạm vào tường. Đó là điều rất khó thực hiện.
Với Rascasse, T18, đôi khi bạn chạy qua đây, quệt bánh sau bên trái vào hàng rào mà không hề hay biết. Bởi xe rất dễ bị trượt bánh sau hoặc văng đuôi tại Rascasse.Thử thách cuối cùng, T19 phải cẩn thận, nó là khúc cua cầu kỳ nhất tại Monaco. Không được vào cua quá nhanh bởi cần một cú thoát cua hoàn hảo cho đoạn thẳng chính sau đó. Thêm nữa, cả hai bên đường đều có tường chắn, rất hẹp. Khúc cua cuối này yêu cầu rất nhiều lực kéo.
Sau đó, xe quay trở lại đoạn đường thẳng chính, và bạn vừa hoàn xong thành khối lượng công việc phải làm ở hai trường đua khác cộng lại.
Theo vnexpress