Bài tập cho người bệnh tăng huyết áp độ 1
Theo lý thuyết, người bệnh tăng huyết áp nhưng chưa xảy ra biến chứng rõ rệt, có huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và huyết áp tâm trương 90-99 mmHg được hiểu là tăng huyết áp độ 1. Trong giai đoạn này, mục tiêu chính của quá trình điều trị là hạn chế dùng thuốc, thay vào đó cân bằng huyết áp thông qua việc thay đổi lối sống, tập các thói quen lành mạnh.
Do chưa xảy ra tổn thương ở cơ quan đích và sức khỏe vẫn còn ổn định, số lượng bài tập cho người bệnh tăng huyết áp độ 1 cũng rất đa dạng. Bạn có thể tập:
- Đi bộ nhanh: 5-6 km / giờ, tập khoảng 30-60 phút, mỗi ngày trong tuần.
- Chạy gằn hoặc đạp xe: hiệu quả hơn ở nhóm đối tượng dưới 50 tuổi, người cao tuổi có thể mua loại xe đạp lực kế để tập ở nhà.
- Bơi lội: chỉ nên bơi chứ không nên lặn, không đi bơi khi nhiệt độ ngoài trời đang lạnh.
- Thiền, yoga, thái cực quyền: đặc biệt phù hợp với người cao tuổi, tập trung vào việc giữ tinh thần thoải mái nhưng cần sự hướng dẫn của chuyên gia.
Bài tập cho người bệnh tăng huyết áp độ 2
Người bệnh tăng huyết áp độ 2 có mức huyết áp tâm thu 160-179 mmHg, huyết áp tâm trương 100-109 mmHg, đã bắt đầu xuất hiện tổn thương nhẹ ở cơ quan đích hoặc kèm một số biến chứng khác. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ khuyên bạn kết hợp dùng thuốc điều trị tăng huyết áp với tích cực rèn luyện thói quen sống lành mạnh để đưa huyết áp về ngưỡng 140 / 90 mmHg.
Khác với tăng huyết áp độ 1, bạn nên lựa chọn kỹ các bài tập để đạt hiệu quả cao nhất. Người tăng huyết áp độ 2 chỉ nên tập luyện ở mức độ vừa phải, tránh những môn phải gắng sức như bóng đá, bóng rổ, tập tạ…Thay vào đó, hãy chăm chỉ đi bộ, đạp xe, tập yoga mỗi khi cảm thấy cơ thể bình thường, không có dấu hiệu chóng mặt hay buồn nôn.
Bài tập cho người bệnh tăng huyết áp độ 3
Tăng huyết áp độ 3 xảy ra khi huyết áp của bạn liên tục ở trên mức 180-209 mmHg (huyết áp tâm thu) hoặc 110-119 mmHg (huyết áp tâm trương), đi kèm nhiều biến chứng và tổn năng rõ rệt ở cơ quan đích. Nếu thuộc trường hợp này, bạn cần ngay lập tức đến bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn và lập ra tiến trình điều trị phù hợp nhất.
Người bệnh tăng huyết áp độ 3 thường không nên vận động thể dục thể thao quá nhiều, tránh gây thêm sức ép lên hệ tim mạch. Nếu vẫn muốn rèn luyện thể lực, bạn nên uống thuốc để cân bằng huyết áp rồi mới bắt đầu tập nhẹ trong 20-30 phút / ngày. Khi có dấu hiệu suy tim, nên chống chỉ định hoàn toàn với hoạt động thể dục thể thao, chỉ nên đi dạo và hít thở đều.
Một số lưu ý khác
Ngoài kiến thức về tập luyện theo từng giai đoạn bệnh, người tăng huyết áp cũng cần lưu ý một số điều sau để giữ động lực cho bản thân, tối đa hóa việc cân bằng huyết áp trong ngưỡng cho phép.
- Thông thường phải tốn 2-3 tháng tập luyện thường xuyên thì huyết áp mới biến đổi tích cực. Vậy nên bạn cần kiên trì tập luyện và tránh nản chí.
- Trong giai đoạn tăng huyết áp độ 1 và 2, bạn có thể kết hợp, luân phiên nhiều bài tập khác nhau để tránh nhàm chán.
- Ra công viên hoặc tìm bạn tập chung là biện pháp hữu hiệu với người tăng huyết áp, vừa giúp bạn giữ tinh thần thoải mái, tận hưởng cuộc sống xã hội.
- Khởi động trước khi tập và thư giãn sau khi tập đóng vai trò quan trọng, giúp bạn tránh bị chấn thương lẫn cho cơ thể thời gian cân bằng huyết áp.
- Luôn thở đều, thở sâu trong khi tập luyện. Nín thở hay thở không đều có thể khiến huyết áp của bạn tăng lên và gây đau cơ.