Chưởng môn Văn Thắng may mắn được thừa hưởng cả kho tàng bí kíp của môn phái Thăng Long Võ Đạo từ người cha của mình - võ sư Văn Nhân. Tiếp cận võ học từ lúc bé, cùng với sự khổ luyện trong nhiều năm, ông đạt đến gần nấc thang cao nhất của võ thuật. Đặc biệt trong những tuyệt kỹ mà ông luyện thành công, nhất dương chỉ là chiêu thức khó nhất. Cũng nhờ vào tuyệt kỹ này, tên tuổi của của ông được cả thế giới biết đến.
Võ sư Văn Thắng vận công trước khi biểu diễn nhất dương chỉ
Võ sư Nguyễn Văn Thắng có vóc người nhỏ bé, thư sinh. Chính vì thế, gặp ông ở ngoài đường không ai có thể tưởng tượng được đây chính là “Đông Nam Á đệ nhất nội công”.
Luyện thành công nhất dương chỉ
Làng võ Việt Nam nhắc đến tên tuổi của võ sư Văn Thắng ngay từ lần ra mắt đầy ấn tượng của ông tại kỳ Đại hội võ thuật cổ truyền Toàn quốc năm 1989. Hồi đó, trước sự chứng kiến của nhiều người, chàng trai nhỏ bé thư sinh của môn phái Thăng Long Võ Đạo đã làm cho quần hùng “choáng” với màn biểu diễn Khẩu lợi công (dùng miệng cắn chặt vào một đầu bàn nhấc bổng lên. Trên bàn đặt một ly hương, ảnh Đạt ma sư tổ, một lá cờ hội. Tổng trọng lượng lên đến 85 kg).
Nhiều cao thủ chứng kiến hôm đó tỏ ra không tin. Bởi theo họ, xét tỉ lệ trọng lượng cơ thể của võ sư Văn Thắng với trọng lượng của chiếc bàn này quá chênh lệch. Tuy nhiên, ông đã làm được cái kỳ tích đó. Từ lúc ấy, tên tuổi của võ sư Văn Thắng được cả làng võ Việt biết đến. Nhưng chừng đó là chưa đủ để nói về tài năng võ thuật hơn người của vị chưởng môn này.
Danh xưng “Đông Nam Á đệ nhất nội công” mà giới võ thuật thế giới truyền tụng bắt nguồn từ nhiều biểu diễn kungfu của ông trước hàng trăm người. Như việc ông dùng năm mũi giáo đặt năm vị trí khác nhau trên cơ thể rồi dùng nội công uốn cong chúng. Hay nằm trên bàn đinh, để cả tạ đá trên người, dùng búa đập nát đá nhưng người vẫn bình thường. Đặc biệt nhất là những lần ông biểu diễn chiêu thức “nhất dương chỉ”.
Nói về chiêu thức này, võ sư Văn Thắng cho biết, ông để ngón tay trên một tảng đá, sau đó đặt một tảng đá cứng như thép lên phía trên. Lấy búa đập nát tảng đá phía trên nhưng ngón tay của ông vẫn lành lặn. Những lần biểu diễn như vậy đều khiến cho nhiều người chứng kiến hết sức kinh ngạc. Theo chúng tôi được biết, trước đây ở Trung Quốc chỉ có ba người làm được điều này. Hiện tại, cả ba võ sư đó đã mất.
Được biết, trong suốt chiều dài lịch sử nền võ học Việt Nam, Nguyễn Lữ là người duy nhất được truyền tụng có thể sử dụng thành thạo tuyệt kỹ nhất dương chỉ. Trong nhiều giai thoại về người anh hùng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, người ta ví ông có thể dùng ngón tay điểm vào huyệt đạo khiến đối phương bất động. Đề cập tới giai thoại nói về người anh hùng này để thấy, việc luyện được chiêu thức nhất dương chỉ dù ở trình độ nào cũng là việc rất khó khăn.
Dùng nội công trị bệnh
Điều bất ngờ đầu tiên khi chúng tôi biết được vị võ sư này là một bác sĩ nổi tiếng về giải phẫu học của bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội. Hiện tại, ông đang là tiến sĩ y khoa. Thời gian trong ngày, võ sư Văn Thắng dành ra để đến bệnh viện chữa bệnh. Do đó, để luyện võ, vị chưởng môn này thường phải dậy từ rất sớm. Ông tâm sự: “Một ngày chỉ dành ba tiếng đồng hồ để ngủ”. Thời gian ông luyện công từ 3h – 5h sáng. Từ 5h30 – 7h30 ông dạy khí công tại câu lạc bộ khí công của Bệnh viện Thanh Nhàn. Buổi chiều, ông dạy võ tại võ đường đến nửa đêm mới nghỉ. Nghe ông tâm sự về lịch làm việc, chúng tôi cảm thấy rất kinh ngạc…
Tuy là một tiến sỹ y học hiện đại nhưng võ sư Văn Thắng còn được nhiều người biết đến về sự am tường về Đông y. Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo tự hào chia sẻ, ông am hiểu y thuật phương Đông còn sâu sắc hơn Tây y nhiều. Theo ông, Tây y chỉ cứu được người chứ không chữa lành được bệnh. Để chứng minh điều này, ông kể những câu chuyện chính tay mình đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân. Trong đó, chúng tôi ấn tượng nhất với câu chuyện Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo đã dùng nội công để cứu sống đệ tử của mình.
Theo lời của võ sư Văn Thắng, cách đây gần một tháng, đệ tử của ông là Chử Văn Sơn – một võ sư được ví là “người thép” bị tai nạn giao thông. Tai nạn đó khiến “người thép” hôn mê bất tỉnh nhiều ngày. Kiểm tra tại bệnh viên được biết võ sư Chử Văn Sơn bị tụ máu ở não. Lúc này, Tây y đã bó tay. “Người thép” Chử Văn Sơn đứng trước ngưỡng cửa của “tử thần”. Biết tin môn đệ bị tai nạn nghiêm trọng, võ sư Văn Thắng am tường về Tây y hiểu được, không thể chữa “người thép” bằng y học hiện đại.
Thương đệ tử, ông đã tự tay mình mang “người thép” về nhà để chữa trị. Trong bảy ngày liên tục, ông đã vận khí, truyền nhân điện. Sau đó, “người thép” dần dần hồi tỉnh và đi lại được. Ông cứu sống Chử Văn Sơn khiến những đệ tử và người nhà của “người thép” vô cùng ngỡ ngàng. Chưởng môn Văn Thắng tự hào nói: “Tôi không cần đến bất cứ một thang thuốc nào cho đệ tử. Đơn giản tôi chỉ vận nội công, thông các huyệt đạo. Truyền nhân điện đánh tan những điểm tụ máu nên môn đệ đã khỏe trở lại”. Chính nhờ nội công uyên thâm “Đệ nhất nội công Đông Nam Á” đã cứu được “người thép” trở về từ cõi chết.
Chúng tôi càng thán phục hơn khi được biết, ngoài nội công kungfu, võ sư Văn Thắng còn rất am hiểu về khí công chữa bệnh, phong thủy dự báo, thiền học và Phật học. Võ sư Thắng được nhiều tạp chí về sức khỏe đặt bài viết cho những chuyên trang về khí công dưỡng sinh. Trong phòng truyền thống của môn phái còn lưu giữ rất cẩn thận những bài viết và nhiều tư liệu của ông trên lĩnh vực này.
Theo võ sư Văn Thắng, khí công là cách để con người thức tỉnh được tiềm năng của chính con người. Nó giúp con người sống vui vẻ, hòa mình vào thiên nhiên. Khi con người biết tôn trọng tự nhiên thì mọi bệnh tật sẽ tự mất đi.
Ông minh chứng quan điểm của mình với chúng tôi khi ông kể những câu chuyện liên quan đến nhiều bệnh nhân nan y được trực tiếp ông hướng dẫn luyện tập và lành bệnh. Nhiều bệnh nhân đến với võ sư Văn Thắng trong tình trạng mất niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, khi được ông động viên và hướng dẫn luyện tập nên đã lành bệnh. Theo võ sư Thắng, đó là phương pháp người bệnh tự chữa lành bệnh cho chính bản thân mình.
Được gặp gỡ, được trò chuyện, được nghe ông kể về lịch sử của môn phái, cuộc đời của những huyền thoại võ lâm thuộc môn phái Thăng Long Võ Đạo khiến cho chúng tôi vô cùng thán phục. Tạm biệt ông để ra về khi trời đã về chiều nhưng trong lòng chúng tôi còn nặng trĩu. Chúng tôi muốn được nghe ông kể nhiều hơn nữa về cuộc đời của những huyền thoại võ lâm thuộc môn phái Thăng Long Võ Đạo.