Ở tư thế này đối phương - người ở bên trên - chiếm lợi thế hoàn toàn: họ có thể đấm, ra đòn chỏ thẳng xuống bằng cả trọng lượng cơ thể. Người ở bên dưới nếu không thoát được tình trạng này một cách nhanh nhất thì sẽ rất nguy hiểm. Vậy làm thế nào để thoát ra khi bản thân rơi vào tình thế bị Mount?
Thông thường đối phương sẽ có 3 tư thế áp chế người nằm dưới:
Tình huống 1: Đối phương ngồi cao dùng 2 tay bóp cổ người nằm dưới.
Phân tích tình huống này thì đối phương dồn sức nặng chủ yếu ở hông và chặn lên hông nạn nhân, dù ta có vùng vẫy đến mức nào cũng khó có thể thoát ra được, ta sẽ phải đưa trọng lượng đang gây áp lực lên hông ra ngoài mới có thể thoát khỏi tình trạng này.
Một trong những động tác cơ bản của BJJ có thể đưa trọng lượng đối phương ra khỏi vùng áp chế nạn nhân gọi là Bridge. Để thực hiện động tác này, 2 chân co sát mông, lấy chân và vai làm điểm tựa và sức mạnh của hông ưỡn người cong lên như 1 cây cầu. Bridge sẽ khiến trọng tâm của đối phương văng qua đầu và gần như nằm ngoài cơ thể ta. Lúc đó đừng vội hạ “cây cầu” xuống mà giữ nguyên rồi lăn qua 1 bên vai, ta và đối thủ sẽ đổi chiều.
Tuy nhiên trước khi bridge, ta cần phải khóa chặt 1 bên tay và chân đối thủ cùng bên với hướng lăn vai bằng cách dùng 1 tay giữ chặt phía dưới khuỷu tay, tay còn lại nắm chặt cổ tay đối phương, chân ngoắc ra bên ngoài cùng bên, bởi nếu bỏ qua động tác này đối thủ có thể đưa tay hoặc dựng chân lên để chống lại lực lăn. Khi đã lên trên ta có thể đứng lên và… bỏ chạy hoặc tiếp tục trận chiến bằng ground and pound.
Tình huống 2: Đối phương áp sát và dùng một tay khóa đầu
Với tư thế này đối phương có thể tung ra những cú đấm vòng vào mặt và mạng sườn, tuy lực không quá mạnh nhưng cũng khá thấm nếu bị dính nhiều.
Ở tư thế này ta vẫn bridge và lăn vai để đưa đối thủ xuống dưới, tuy nhiên cách khóa tay có đôi chút thay đổi, ta sẽ nhằm vào tay đang khóa cổ và cũng sẽ lăn qua bên đó. Dùng 4 ngón tay móc sâu vào bắp tay đang khóa cổ (Hook grip), cùi chỏ khép chặt sát thân hoặc tự đưa tay vuốt tóc mình cũng với chỏ sát thân. Trap nốt chân cùng bên, tay còn lại duỗi thẳng kê phần bắp tay vào nách đối phương.
Bridge mạnh khiến đối phương cắm mặt xuống phía trước đồng thời phần lớn trọng lượng đang ép ở hông cũng sẽ bị đưa ra ngoài, lăn trên vai phía tay và chân đang trap, tay kê dưới nách đẩy đồng thời để tiếp thêm lực cho cú lăn vai đưa đối phương xuống mặt đất.
Tình huống 3: Tương tự tư thế 1, đối phương ngồi cao nhưng không bóp cổ mà sẽ giã đấm/chỏ xuống (ground and pound).
Tình huống này nếu ta không nhanh chóng tìm cách thoát ra thì khả năng bị knockout sớm là rất cao.
Bước đầu tiên phải hạn chế khoảng không giữa ta và đối phương nhằm vô hiệu phần nào những cú đấm và trỏ bằng cách nhao lên dùng 2 tay ôm vòng qua lưng, đầu áp sát ngực đối phương, sau đó dùng 2 chân đạp mạnh xuống đất kết hợp cùng tay kéo đối phương lao về phía trước.
Với cú kéo rất mạnh đó đối phương sẽ phải dùng 2 tay chống ra trước nếu không muốn bị đập mặt xuống đất. Tuy nhiên lúc này hông của họ đang cao tận tầm ngực ta, lập tức chuyển 2 tay đang ôm lưng lên móc vào vai đối phương để kéo thân mình lên cao. Đến lúc này tư thế lặp lại tương tự tình huống 2, tiếp tục trap tay và chân cùng bên, bridge, lăn qua vai và lên trên đối phương.