Buồn ngủ là dấu hiệu bình thường
Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Văn Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho rằng, tập thể dục, thể thao là hoạt động thể lực nhắm đến mục đích cụ thể như để tăng tố chất thể lực của cơ thể, giảm cân, thoải mái tâm lý, kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe…
Mọi hoạt động thể lực đều có một ngưỡng nhất định. Khi tập thể dục, thể thao, đòi hỏi cơ thể phải gắng sức mà sự gắng sức dẫn đến huy động tiêu hao của năng lượng, hệ tuần hoàn, hô hấp, cơ xương khớp… Cơ thể khi đạt được ngưỡng đó đòi hỏi cần được nghỉ ngơi và giấc ngủ sinh lý được tạo ra là nhờ hoạt động này. Việc sau khi tập thể dục, thể thao, người tập sẽ có trạng thái buồn ngủ là rất bình thường. Nó cho thấy rằng, buổi tập đó đạt chất lượng tốt. Người tập sẽ có một giấc ngủ sâu, thoải mái hơn.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp tập luyện quá sức đến độ mệt mỏi, suy nhược cũng dẫn tới tình trạng người tập có cảm giác buồn ngủ. Có điều giấc ngủ của người tập luyện quá sức sẽ không giống chất lượng giấc ngủ của người hoạt động thể dục, thể thao đúng khoa học. Một giấc ngủ chất lượng phải là giấc ngủ sâu, thoải mái, không ngủ lơ mơ. Giấc ngủ đủ thời gian không phải quá ngắn hoặc ngủ tới mức mê mệt. Thời gian này phụ thuộc vào nhịp sinh học của con người, có những giấc ngủ 6 – 8 tiếng nhưng cũng có giấc ngủ 15 – 30 phút đã là đủ. Giấc ngủ được đảm bảo môi trường tốt. Ngoài ra, để đánh giá giấc ngủ có chất lượng hay không, người ta cũng có thể khảo sát điện não đồ, xét nghiệm sau giấc ngủ… để thấy cơ thể có sảng khoái, hưng phấn sau ngủ không?
Nhận diện giấc ngủ gây nguy hại cho sức khỏe
ThS.BS Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh rằng, việc tập luyện thể dục, thể thao đều đặn là rất quan trọng, giúp cho cơ thể chúng ta dẻo dai, săn chắc và khỏe mạnh hơn. Nhưng tập luyện không đúng cách, cường độ luyện tập quá tải, vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể trong khi thời gian giãn cách giữa các buổi tập ngắn sẽ khiến cơ thể “quá tải” gây hậu quả không tốt cho sức khỏe.
Điều này có thể gây chấn thương hoặc dễ mắc các bệnh lý phức tạp. Luyện tập quá sức có hai trường hợp là cấp tính và mạn tính. Quá sức cấp tính khiến cho cơ xương khớp đau mỏi, thậm chí có thể gây chấn thương, bong gân, rách cơ, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh. Trường hợp luyện tập quá sức mạn tính (quá sức trường diễn) khiến toàn bộ cơ thể không phục hồi rơi vào tình trạng mệt mỏi mạn tính, dẫn đến các bệnh lý thực sự như rối loạn kinh nguyệt, suy thượng thận, thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc, rối loạn về giấc ngủ, tiêu hóa… điều trị sẽ hết sức phức tạp. Không ít trường hợp tập luyện quá sức rơi vào tình trạng sốc do vận động, đột tử.
Để đánh giá việc luyện tập thể dục, thể thao có quá sức hay không cần xét đến các yếu tố cường độ, tần số và thời gian tập luyện. Sau mỗi buổi tập cơ thể bạn có thể đau mỏi nhẹ hoặc thậm chí bạn có cảm giác mệt mỏi, đói, nhu cầu bổ sung năng lượng cao. Bình thường sau những cảm giác này sẽ hết nhanh chóng và cơ thể bạn sẵn sàng cho buổi tập ngày hôm sau. Còn nếu những cảm giác này kéo dài đến tận hôm sau và bạn mỏi mệt đến mức không muốn tập luyện tiếp thì có nghĩa là bạn đã tập luyện quá sức, cơ thể bạn chưa có đủ thời gian để hồi phục.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Phú, để việc luyện tập thực sự hiệu quả nên có một mục đích, động cơ rõ ràng vì như vậy người tập sẽ nghiêm túc thực hiện mục tiêu đề ra. Điều đầu tiên phải biết là thể trạng sức khỏe của mình thế nào để chọn phương pháp tập phù hợp. Tốt nhất, trước khi xây dựng kế hoạch tập luyện, bạn hãy đến gặp bác sĩ thể thao để được tư vấn, đánh giá thể trạng và kiểm tra các vấn đề sức khỏe. Qua các test thể lực, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định đâu là ngưỡng bắt đầu phù hợp.
Người tập cần xây dựng chế độ luyện tập vừa sức. Ở giai đoạn đầu nên tập với cường độ thấp ở ngưỡng cơ thể chịu được rồi tăng dần cường độ. Bạn không nên bắt đầu các bài tập ở mức quá thấp vì như vậy sẽ làm bạn thấy nhàm chán, mất hứng thú tập luyện song cũng không nên bắt đầu tập với những môn vắt kiệt sức lực của mình. Nên chọn những bộ môn có tính chất chu kỳ như bơi, đi bộ, chạy để tăng khả năng sức khỏe, sau đó chọn đến môn yêu thích như bóng đá, cầu lông…
Bạn nên tự đánh giá phản ứng của cơ thể khi luyện tập để tránh rơi vào tình trạng quá sức. Về thời gian luyện tập nên phù hợp với nhịp sinh học, tính chất công việc và thời điểm đó bạn có thể duy trì được việc tập luyện trong thời gian dài. Trường hợp khi bị ốm, sốt nên chú ý dừng tập thể dục, thể thao, nhất là với cường độ quá sức rất dễ gây tình trạng đột quỵ.