Hãng xe Nhật Bản mới trở lại làng đua F1 bằng hợp đồng cung cấp động cơ cho đội đua McLaren nhưng đã sớm rơi ngay vào cuộc tranh cãi với Liên đoàn đua xe thế giới (FIA).
Thay đổi về cách hiểu một quy định đã làm Honda phải tự hỏi liệu họ có được đối xử công bằng sau 6 năm tạm xa làng F1. Vấn đề thoạt nhìn tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thực ra rất phức tạp và có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng của bộ động cơ mà Honda cung cấp cho đội đua McLaren, qua đó có thể làm suy giảm khả năng cạnh tranh của bộ đôi ngôi sao Fernando Alonso và Jenson Button. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cốt lõi vấn đề mà Honda và FIA đang tranh cãi nhau.
Sau một thời gian khá dài sử dụng loại động cơ V8, kể từ năm 2014 làng F1 chuyển sang dùng bộ động cơ V6 tăng áp cùng với việc hạn chế mức nhiên liệu sử dụng. Sự thay đổi này khiến các nhà sản xuất động cơ phải nghiên cứu và ứng dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến vào loại động cơ mới nhằm cải thiện hiệu suất do bị hạn chế về dung tích động cơ và nhiên liệu sử dụng. Điều này khiến giá thành của động cơ xe F1 trở thành quá đắt đỏ.
Chiếc McLaren MP4-29H sử dụng động cơ Honda. Ảnh: Formula 1.
Để khắc phục nhược điểm trên, các nhà làm luật của FIA buộc các đội phải cắt giảm chi phí phát triển động cơ. Hàng loạt những điều luật phức tạp và đầy rắc rối được đưa ra, theo đó các nhà sản xuất không được nghiên cứu và nâng cấp động cơ trong giai đoạn mùa giải diễn ra. Các nhà sản xuất chỉ được phát triển và khắc phục những nhược điểm của động cơ trong giai đoạn nghỉ giữa hai mùa đua.
Bên cạnh đó, số lượng các nâng cấp được phép áp dụng sẽ được cắt giảm dần qua từng mùa giải. Để giám sát điều này, toàn bộ thiết kế của động cơ được chia ra thành 66 thẻ (token) đại diện cho các bộ phận khác nhau và phân chia căn cứ vào sự ảnh hưởng của nó tới hiệu suất của chiếc xe. Các nhà sản xuất được nâng cấp tối đa là 32 thẻ ở mùa giải 2015, tới năm 2016 là 26 thẻ. Số lượng thẻ được nâng cấp sẽ giảm dần để tới giai đoạn 2019 và 2010, số thẻ được nâng cấp sẽ gần như bằng không.
Kế hoạch này cũng yêu cầu các nhà sản xuất động cơ bắt đầu có mặt tại làng F1 sau năm 2014 sẽ phải bắt đầu từ xuất phát điểm ban đầu và bị ràng buộc bởi những hạn chế tương tự những nhà sản xuất tham gia từ đầu năm 2014. Theo đó, trong năm 2015 Honda sẽ phải chịu ràng buộc như những nhà sản xuất khác phải chịu ở năm 2014. Như thường lệ, cách thể hiện của các điều luật F1 không thực sự rõ ràng và rành mạch nên xuất hiện những kẻ hở để một số đối tượng đang cố gắng lợi dụng nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh.
Sau khi sớm nhận thấy động cơ Mercedes đã đi trước và thể hiện sự vượt trội ngay từ đầu mùa giải 2014, hai nhà sản xuất động cơ còn lại khi đó là Renault và Ferrari đã ngay lập tức vận động, yêu cầu FIA cho phép được tự do nghiên cứu và nâng cấp động cơ trong suốt thời gian diễn ra giải đua. Càng về cuối mùa giải 2014, Renault và Ferrari càng thúc ép FIA nới lỏng việc hạn chế phát triển động cơ khi họ nhận thấy việc khắc phục xong các điểm yếu trước thời điểm 28/2/2015 là bất khả thi.
Vào ngày 28/2/2015 (hai tuần trước khi chặng khai cuộc mùa giải), các nhà sản xuất động cơ sẽ phải nộp cho FIA bản thiết kế động cơ hoàn chỉnh của mùa giải 2015 để được công nhận. Sau thời điểm này, các đặc điểm kỹ thuật của động cơ sẽ không được phép thay đổi. Trong hoàn cảnh bó buộc, hãng sản xuất động cơ yếu kém nhất mùa giải 2014 và tiếp tục đi sau trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải 2015, Ferrari tìm ra một lỗ hổng trong các quy định của FIA.
Nhà sản xuất động cơ của Italy nhận thấy mốc thời gian 28/2 chỉ là quy định của mùa giải 2014 chứ không phải là của mùa giải 2015. Ferrari đã thông báo cho FIA biết điều này vào buổi họp kỹ thuật ở cuối mùa giải 2014. Ban đầu, giám sát Charlie Whiting của FIA vẫn bảo vệ quan điểm 28/2 vẫn là 28/2 vẫn là hạn chót của mùa giải 2015. Tuy nhiên, sau khi trao đổi kỹ với các đội đua khác, Whiting đã phải thừa nhận cách hiểu của Ferrari là hợp lý.
Chiếc động cơ Honda sản xuất cho mùa giải 2015. Ảnh: Formula 1.
Từ đó, FIA đã quyết định và thông báo rằng Ferrari, Renault và Mercedes được phép nâng cấp tới 32 thẻ trong suốt mùa giải 2015 so với động cơ của 2014. Riêng Honda là nhà sản xuất động cơ mới gia nhập từ mùa giải 2015 và không có thiết kế động cơ được công nhận để đối chiếu như 3 hãng kia nên không được nâng cấp động cơ trong mùa giải 2015.
Một quan chức giấu tên của một trong ba hãng Ferrari, Renault và Mercedes cho rằng sự thay đổi của FIA không làm giữa họ và Honda có nhiều khác biệt. Bản thân sự xoa dịu này đã ngầm cho biết Honda đã phải chịu thiệt thòi, câu hỏi chỉ là thiệt thòi ở mức nào. Một chuyên gia khác thì nhận định rằng Honda có thể phải chịu một bất lợi vì họ có nhiều thời gian để thử nghiệm trên đường đua loại động cơ mà họ sản xuất, ngoài ra việc các đối thủ được tự do phát triển giữa mùa giải sẽ là bất lợi tiếp theo về hiệu suất.
Dĩ nhiên, Honda không hài lòng khi phải chịu thiệt thòi. Nhà sản xuất của Nhật Bản dù vẫn công khai “tin rằng sự công bằng sẽ mang lại niềm vui cho người hâm mộ cũng như môn thể thao F1.” Nhưng rõ ràng thông báo đó cũng cho thấy Honda thấy rằng họ đã chịu thiệt thòi. Các đối thủ cho rằng, ngay từ khi khởi đầu dự án trở lại với F1, Honda đã có một lợi thế. Trong khi các nhà sản xuất phải mò mẫm để phát triển bộ động cơ V6 tăng áp trước năm 2014 thì hiện nay Honda đã sản xuất động cơ khi biết rõ những điểm yếu cần khắc phục trên động cơ V6 tăng áp.
Ngoài ra, Honda còn có thể đặt hàng những phụ tùng động cơ có sẵn của các nhà thầu phụ khác, những công ty vốn đã tham gia dự án sản xuất động cơ V6 tăng áp từ trước. Trước kia, Ferrari, Renault và Mercedes không có được thuận lợi này. Mặc dù vậy, điều này vẫn không thể phủ nhận bất lợi mà Honda phải chịu khi không được phép nâng cấp động cơ trong mùa giải 2015.
Rõ ràng là Ferrari, Renault và Mercedes vẫn không được phép nâng cấp động cơ nhiều hơn so với họ được phép trước kia, đơn giản là họ được gia hạn thời gian nâng cấp. Trong khi đó Honda không có sự lựa chọn nên vẫn phải nộp bản thiết kế chính thức để được công nhận dù bộ động cơ đó chưa được thử sức trong cuộc đua một phút nào. Nó cũng không khác gì tình cảnh các hãng khác phải chịu ở năm ngoái, các quy định mà Honda bị ràng buộc cũng không khác gì năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm rõ 3 vấn đề bí ẩn xung quanh vấn đề này:
Đầu tiên, trong khi các quy định dành cho Honda không khác nhiều so với đầu mùa giải năm ngoái nhưng hiện nay những ràng buộc cho ba nhà sản xuất động cơ còn lại đã có thay đổi.
Thứ hai, Ferrari, Renault và Mercedes đã được công nhận thiết kế động cơ vào đầu năm 2014 và có 32 thẻ được nâng cấp. Nhưng ngay sau khi bất kỳ thẻ nào được nâng cấp thì về mặt kỹ thuật động cơ sẽ không còn giống như cũ nữa. Vì thế không còn ở trạng thái được công nhận như trước nữa. Như vậy chiếc động cơ đó sẽ trở thành động cơ dành cho mùa giải 2015 ở điểm nào. FIA đang suy nghĩ rằng, dù có được nâng cấp bao nhiêu thẻ thì chiếc động cơ vẫn ở tình trạng được công nhận. Động cơ được nâng cấp trong suốt mùa giải nên nó không ở thông số của thiết kế động cơ được công nhận. FIA sẽ phải tranh luận và làm rõ điều này.
Thứ ba, trên thực tế Honda phải chịu nhiều hạn chế hơn các đối thủ phải chịu ở mùa giải năm ngoái. Năm ngoái, mỗi tay đua được phép sử dụng 5 động cơ. Trong khi đó, mới đây FIA chỉ cho phép mỗi tay đua chỉ được dùng tối đa 4 động cơ trong mùa giải 2015, Honda cũng phải chịu cả ràng buộc này. Ngoài ra, nên nhớ rằng, ở mùa giải tiếp theo Honda cũng chỉ được nâng cấp tối đa 26 thẻ chứ không phải là 32 thẻ như Ferrari, Renault và Mercedes được sử dụng trong năm nay.
Nhiệm vụ của FIA là đưa ra các quy định, Honda biết rõ các quy định này trước khi tham gia cuộc chơi dù các quy định về phát triển và số lượng động cơ được sử dụng nằm tách biệt. Tuy nhiên, không khó để trả lời câu hỏi Honda có được đối xử công bằng và nhất quán hay không?
Ở mùa giải năm nay, do nhận thấy sự đi trước về công nghệ của Mercedes, các hãng sản xuất động cơ khác đã vận động và yêu cầu FIA cho phép nghiên cứu và nâng cấp động cơ trong suốt mùa nhằm đuổi kịp Mercedes. Mới đây, thuận theo yêu cầu của các đội FIA đã cho phép nâng cấp động cơ trong mùa giải nhưng chỉ với các hãng như Mercedes, Renault và Ferrari trong khi Honda không được phép.
Khi nhận được thông báo này, Honda ngay lập tức phản đối” Chúng tôi và McLaren đã liên lạc với FIA để giải quyết bất cập này, ở thời điểm hiện tại chúng tôi chưa thể làm việc cụ thể về khó khăn trên.” Vào hôm thứ Hai và thứ Ba vừa qua các ông chủ của Honda đã có cuộc trao đổi kín với giám sát Charlie Whiting của FIA để bàn về sự bất công trên.
Ban đầu FIA dự định tất cả các nhà sản xuất để phải trình bản thiết kế chính thức động cơ F1 năm 2015 vào ngày 28 tháng 2, hai tuần trước khi khai mạc mùa giải tại Grand Prix Australia. Nhưng Ferrari cũng như nhà cung cấp động cơ cho Red Bull là Renault đang cố gắng thu hẹp khoảng cách về hiệu suất so với Mercedes, đã chỉ ra rằng có một kẽ hở trong các điều luật của FIA, theo đó luật không xác định cụ thể thời điểm mà bản nâng cấp cho mùa giải năm nay phải hoàn thành.
Sau đó FIA đã phải đồng ý rằng họ không thể buộc các nhà sản xuất nộp bản thiết kế trước mùa giải và Whiting cho phép sự phát triển, nâng cấp động cơ được phép diễn ra trong suốt mùa giải trừ Honda, đội mới bước chân trở lại làng F1. FIA cho rằng sự thay đổi này là công bằng khi buộc phải Honda phải chịu sự ràng buộc phát triển như các hãng đối thủ phải chịu ở mùa giải năm ngoái.
Theo vnexpress.net