Nhật Bản từng thắng đội tuyển của HLV Park Hang-seo 1-0 tại tứ kết Asian Cup 2019. Thế nên, nếu xét về mặt tỷ số, thất bại trên sân Mỹ Đình hôm qua không hẳn thất vọng. So với hai năm trước, đội hình của Nhật Bản hiện tại còn mạnh hơn rất nhiều với 18 cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài - đa phần là châu Âu. Một số ngôi sao của họ thậm chí được nâng tầm đẳng cấp khi đang khoác áo Liverpool, Arsenal... Về tính chất, Nhật Bản chịu nhiều sức ép hơn. Nếu thua Việt Nam ở tứ kết Asian Cup 2019, cùng lắm họ chỉ "mất mặt", chứ nếu trắng tay tại Mỹ Đình là dẫn đến thảm họa không thể tha thứ, bởi chiếc vé dự World Cup có tầm vóc lớn hơn nhiều so với Asian Cup.
Vì thế, giành điểm trước Nhật Bản lúc này khó hơn nhiều lần so với hai năm trước. Tại Asian Cup 2019, Việt Nam đơn giản là không có gì để mất, vẫn còn là một bất ngờ thú vị ở giải đấu đó. Nhưng bây giờ, cả thầy Park lẫn các học trò đều gánh một núi áp lực trên vai, trong khi con người cũng như lối chơi đều không còn xa lạ. Đối thủ quá mạnh, lại phải cố gắng vượt qua giới hạn bản thân, trong khi mục tiêu đặt ra là kiếm điểm số đầu tiên, đó hoàn toàn là thử thách quá khó khăn với họ.
Thế nên, có một thế trận đĩnh đạc trước Nhật Bản như tối 11/11 là một tiến bộ cần ghi nhận. Khung thành của thủ môn Bùi Tấn Trường chỉ bị đe dọa thực sự trong khoảng 10 phút cuối hiệp hai, khi đội tuyển dồn lên để tìm bàn gỡ và chấp nhận nguy cơ bị phản đòn. Đây là trận đấu đầu tiên ở vòng loại thứ ba, các sai sót cá nhân ở khâu phòng ngự đã giảm xuống mức tối thiểu, khả năng thoát pressing được cải thiện. Cách tiếp cận trận đấu cũng mang màu sắc tự tin, mạnh mẽ hơn. Việt Nam đã chơi một trận đấu mà cho dù không nhìn ra quá nhiều cơ hội thắng, thì cũng không còn phải chịu nỗi ám ảnh bị đối phương chọc thủng lưới bất kỳ lúc nào. Đội tuyển đã có một trận đấu tốt nhất kể từ đầu vòng loại cuối cùng. Nhưng tất nhiên, chừng đó chưa đủ.
"Bây giờ tôi mới hiểu kiếm một điểm khó thế nào", đó vừa là câu cảm thán, cũng là lần đầu tiên HLV Park thổ lộ mục tiêu tại vòng loại cuối World Cup 2022. Không cần đến trận Nhât Bản, bốn thất bại trước đó là quá đủ để đội tuyển nhận ra đâu là vị trí của mình hiện tại. Trạng thái của Việt Nam hiện nay tại vòng loại cuối cùng, có thể được mô tả là "trong tầm tay nhưng ngoài tầm với". Cho nên HLV Park phải đổi phương án, tìm cách tận dụng ưu thế của bốn trận sân nhà còn lại với mục tiêu tìm kiếm các điểm số đầu tiên.
Nhưng cũng như chính thầy Park thừa nhận, khoảng cách giữa Việt Nam và các đội bóng hàng đầu châu Á vẫn còn đó. Việt Nam chỉ thua một bàn, nhưng điều quan trọng là chúng ta tạo ra chưa đến nửa cơ hội để ghi bàn vào lưới đối phương. Sự có mặt từ đầu của Công Phượng cũng chỉ có tác dụng không cho Nhật Bản dâng đội hình lên quá cao. Quang Hải bị kèm chặt khiến mọi ý tưởng về tấn công đều đi vào ngõ cụt. Cho đến lúc này, sự vắng mặt của Hùng Dũng để lại một khoảng trống quá lớn, khiến cho những nguồn lực tốt nhất của Việt Nam đều không được giải phóng đúng cách để bùng nổ trên mặt trận tấn công. Không ai đánh giá sự tiến bộ dựa trên số lượng bàn thua. Mọi tín hiệu lạc quan đều đến từ cơ hội ghi bàn để giành chiến thắng. Mà ở điểm này, sau năm trận đấu, HLV Park chưa tìm được câu trả lời. Đó là lý do ông không nói nhiều về bàn thua ở phút 17, sự bất lực nằm ở việc đội tuyển có đến 80 phút để tìm một bàn gỡ, mà không thể.
Nếu chỉ đặt mục tiêu tìm một điểm, nếu nhìn từ trận thua "chấp nhận được trước Nhật Bản" thì cơ hội của Việt Nam vẫn rất khả quan. Ba trận sân nhà còn lại của đều gặp các đối thủ "dễ chơi" hơn, đều là những đội bóng mà Việt Nam đã chọc thủng lưới, thậm chí là còn dẫn bàn trước. Sau năm trận toàn thua, xem như Việt Nam "được chọn" là mục tiêu buộc phải thắng của các đối thủ còn lại trong bảng B, áp lực không còn nằm ở Việt Nam và đó là tiền đề quan trọng cho HLV Park xây dựng đấu pháp phản công sắc sảo, hiệu quả hơn.
Với một tâm lý tốt, cách tiếp cận trận đấu mạch lạc, đội tuyển đã có trận cầu không tồi trước Nhật Bản. Giữ được phong độ đó, chắc chắn sẽ mở ra triển vọng tươi đẹp hơn cho những chiến binh áo đỏ.