Qua đó, các môn thể thao dân tộc có cơ hội phát huy, lưu giữ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Nhiều môn thể thao dân tộc đã trở thành hoạt động truyền thống ở các lễ hội hàng năm của các địa phương như: đua thuyền trong lễ hội đền Đại Cại- Lục Yên, đền Nam Cường - thành phố Yên Bái; đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay trong lễ hội ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải; kéo co, đua mảng trong lễ hội Cầu mùa ở Văn Chấn, Yên Bình…
Những năm qua, chủ trương xây dựng làng, xã văn hóa là điều kiện để các địa phương hình thành các đội văn nghệ, thể thao, tiếp đó là việc phục dựng các lễ hội làm hồi sinh các môn thể thao dân tộc.
Trong kế hoạch tổ chức các giải thể thao hàng năm, nhiều địa phương đã cố gắng đưa các môn thể thao dân tộc vào hệ thống thi đấu, trong đó các môn như: đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co đều lấy hạt nhân là các vận động viên có thành tích từ các lễ hội xuân. Đặc biệt, các môn thể thao dân tộc truyền thống như: đẩy gậy, cờ tướng, bắn nỏ, đua thuyền… được nhiều địa phương đưa thành môn thi đấu chính thức. Từ đó, thể thao dân tộc đã mang về thành tích đáng kể khi được quan tâm đúng mức.
Các năm qua, tỉnh đã tiến hành chọn đội tuyển tham gia các hội thi thể thao dân tộc, đại hội thể dục thể thao toàn quốc, khu vực… Nhiều nội dung thi đấu đã gặt hái được các thứ hạng cao, mang vinh dự về cho các vận động viên và địa phương. Đồng thời, qua đó nhiều xã, thị trấn đã hình thành và duy trì các câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe cho nhân dân, trong đó có nhiều môn thể thao dân tộc như câu lạc bộ bắn nỏ xã Yên Thắng (Lục Yên), câu lạc bộ kéo co "tằng cẩu" ở thị xã Nghĩa Lộ...
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thật khách quan, hoạt động thể thao ở cơ sở và nhất là các môn thể thao dân tộc cần phải được quan tâm hơn nữa, cần có chiến lược đầu tư cụ thể hơn để phong trào phát triển, để nhiều tầng lớp nhân dân đều có thể tham gia, qua đó có cơ hội lựa chọn được những vận động viên tham gia thi đấu ở những giải lớn hơn, thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao.
Sự quan tâm thấu đáo trong việc gây dựng các phong trào, đầu tư cơ sở vật chất luyện tập, thi đấu sẽ giúp các môn thể thao dân tộc cơ hội phát triển thành một phong trào rèn luyện sức khỏe rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Các cấp, ngành, đơn vị chức năng cần có kế hoạch đưa các môn thể thao dân tộc vào hệ thống thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên thể thao của ngành, địa phương.
Đặc biệt là ngành giáo dục nếu nghiên cứu, lựa chọn đưa môn thể thao dân tộc phù hợp vào chương trình môn Giáo dục thể chất trong trường học, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú thì chắc chắn việc phát huy các môn thể thao dân tộc sẽ còn hữu ích hơn nữa trong phát triển thể thao quần chúng đồng thời giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc, thiết thực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".
Theo http://www.baoyenbai.com.vn