Tập luyện ở nhà sẽ không thể hoàn hảo như tập luyện trong lò võ, nhưng nó giúp bạn có nền tảng ổn định và bạn có thể tiến nhanh hơn khi được tham gia các lớp bài bản.
PHẦN 1: kHỞI ĐỘNG LÀM NÓNG CƠ THỂ
Kéo giãn cơ bắp, khởi động các khớp trong vòng 10 phút đầu tiên. Tiếp đó là 2 hiệp nhảy dây với cường độ cao, mỗi hiệp kéo dài khoảng 3 phút.
Sau đó bạn bắt đầu tập đánh gió, phần quan trọng nhất trong việc khởi động. Nhiều người thường có những động tác “lười biếng” trong bài tập này, ở đây không chỉ là “múa tay múa chân” mà bạn phải tưởng tượng trong đầu có một đối thủ đang đối diện bạn. Bài này tập trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, trong mỗi hiệp bạn đánh gió mỗi kiểu khác nhau.
Hiệp 1: Chú trọng vào di chuyển, đấm thẳng và các đòn tầm xa. Sử dụng đôi chân cách linh hoạt nhất có thể, chỉ dừng khi tung đòn đánh.
Hiệp 2: Bắt đầu sử dụng các đòn đánh tầm gần, đòn gối và đạp trước. Vẫn chú tâm vào bộ pháp nhưng dùng đòn thế đa dạng hơn hiệp đầu.
Hiệp 3: Sử dụng đòn thế tùy ý, ít di chuyển hơn hai hiệp trước, tập trung vào đòn chỏ, gối, đạp trước và cả các thế phòng thủ.
PHẦN 2: LUYỆN TẬP VỚI BAO CÁT
Theo quan điểm của võ sĩ Lee, những người mới tập Muay Thái nên tập trung vào những đòn chân vì trong thi đấu thực tế, những đòn chân được tung ra nhiều hơn là gối chỏ.
Bắt đầu với 50 cú đá đạp trước với cả hai chân, cú đá của bạn dùng để dừng chuyển động của bao cát chứ không phải để đẩy bao đi. Đây là sai lầm thường thấy của người tập không bài bản, chỉ muốn “đẩy” bao cho rung lắc càng mạnh càng tốt và không tạo được lực trong đòn đánh.
Tiếp đó là 100 cú đá vòng cầu (mỗi chân 50 cái), tung hết lực trong từng cú đá, tấn công ở cả ba tầm đánh (cao, trung, thấp).
Cuối cùng là 5 hiệp đấm bao tự do, mỗi hiệp 3 phút. Chú ý không chỉ đánh theo một đòn liên hoàn (combo), nên đa dạng các đòn đánh vì nếu quen theo một lối đánh duy nhất sẽ giúp đối thủ dễ “bắt bài” bạn trong thi đấu.