Quỹ đầu tư hàng đầu Trung Quốc, China Media Capital, đang hướng tới vị trí cổ đông lớn nhất khi cùng các đối tác nỗ lực giành quyền thâu tóm Formula One Group với giá khoảng 8,5 tỷ đôla.
Hiện nay, Formula One Group chịu trách nhiệm phát triển và khai thác quyền thương mại của các cuộc đua xe F1 trên khắp thế giới. Đây là nhóm công ty thuộc quyền sở hữu của một số tập đoàn kinh tế và quỹ đầu tư lớn, trong đó CVC Capital Partners là cổ đông kiểm soát. Giám đốc Điều hành hiện nay là tỷ phú nổi tiếng người Anh Bernie Ecclestone.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc cùng đối tác có tham vọng định hình lại tương lai của môn đua xe số một thế giới.
Và China Media Capital (CMC) muốn thế chỗ của CVC, trở thành cổ đông nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao nhất trong trong nhóm các chủ sở hữu mới của làng đua xe F1.
Trung Quốc, bằng sức mạnh tài chính, đang muốn thôn tính quyền sở hữu môn thể thao
tốc độ nhất hành tinh. Ảnh: Sutton Motosports.
CMC là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Trung Quốc, đang theo đuổi chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Gần đây, họ đã trở thành đối tác của các hãng phim Hollywood, Warner Bros, hợp tác sản xuất và phát hành các phim Trung Quốc trên toàn thế giới.
CMC sẽ đại diện một nhóm các công ty lớn của Trung Quốc đầu tư khoảng 1,5 tỷ đôla cho chiến dịch đổi chủ sở hữu F1. Đây là nhóm đầu tư nhiều tiền nhất, nhưng đạo diễn thương vụ này là Stephen Ross – chủ sở hữu CLB bóng bầu dục kiểu Mỹ Miami Dolphins.
Hiệp hội đầu tư này đang nỗ lực thuyết phục CVC Capital Partners, cổ đông kiểm soát F1 hiện nay, dành cho họ 90 ngày đàm phán để các bên có thể trao đổi chi tiết kế hoạch với ông trùm F1 Bernie Ecclestone.
Nhưng 1,5 tỷ đôla của CMC vẫn còn quá ít để có thể thực hiện thành công thương vụ thâu tóm quyền điều hành F1. Họ và các đối tác đầu tư nước ngoài còn cần gom bổ sung được ít nhất 2 tỷ đôla nữa để có thể ngồi vào bàn làm việc với các ông chủ F1 hiện tại. Và với một quỹ đầu tư quy mô toàn cầu như CVC, thì số tiền đủ để hấp dẫn họ trong thương vụ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc phần lớn cổ phần có thể còn lớn hơn nhiều.
Ecclestone, thông qua CVC, đang được ví như ông trùm F1.
Qatar Sports Investments, chủ sở hữu CLB bóng đá nổi tiếng Paris Saint-Germain, ban đầu được coi là một đối tác trong vụ này. Nhưng sau khi cân nhắc, họ nhiều khả năng sẽ đứng ngoài cuộc.
Tỷ phú Mỹ Stephen Ross, thông qua công ty giải trí và thể thao RSE Ventures, có kế hoạch đầu tư khoảng 500 triệu đôla, nếu không thành công cùng CMC của Trung Quốc thì cũng sở hữu một tỷ lệ cổ phần đáng kể trong công ty mẹ của F1.
Ông trùm truyền thông Đức Dieter Hahn, thông qua công ty Constantin Medien, cũng muốn tham gia đầu tư vào thương vụ này một khoản khoảng 500 triệu đôla. Trước đó, tỷ phú này từng kiện ông trùm F1 hiện nay, Ecclestone, trong một chiến dịch đổi chủ sở hữu F1 khác.
Các phần vốn góp của Quỹ đầu tư CMC Trung Quốc, cộng với Stephen Ross và Dieter Hahn mới chỉ vào khoảng 2,5 tỷ đôla. Nghĩa là họ cần kêu gọi đầu tư thêm ít nhất 2 tỷ đôla nữa để có tất cả 4,5 tỷ đôla trong phần vốn chủ sở hữu. Họ hy vọng sẽ được chấp nhận cho nợ 4 tỷ đôla trong thương vụ thâu tóm. Giá trị thương mại của F1 hiện nay vào khoảng 8,5 tỷ đôla.
Nếu thương vụ chuyển chủ sở hữu thành công, ông trùm F1 hiện nay, Ecclestone, nhiều khả năng vẫn được mời ngồi ghế Giám đốc Điều hành dù đã ở tuổi 84. Nhưng nhóm đầu tư Trung Quốc và các đối tác sẽ thành lập một đội thương mại mới để khai thác hiệu quả hơn bản quyền truyền thông và quảng cáo, tài trợ cho môn đua xe F1.
Nhóm đầu tư Trung Quốc và đối tác tin rằng họ có thể tăng gấp đôi lợi nhuận cho giải đua F1.
Cơ sở để CMC của Trung Quốc và đối tác tin tưởng sẽ thành công trong thương vụ F1 sắp tới là hiện trạng khó khăn của làng đua xe. Một số đội đua đã chấp nhận đầu hàng hoặc đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính. Tình hình khó khăn của từng đội ảnh hưởng tới chất lượng chung của môn thể thao này.
Giới chuyên môn cũng đánh giá giờ là thời điểm thích hợp nhất để F1 thay đổi chủ sở hữu, kể từ sau khi CVC nắm quyền kiểm soát cách đây một thập kỷ.
Theo vnexpress.net