24 golf thủ xuất sắc đại diện cho 2 châu lục Âu - Mỹ chuẩn bị bước vào 3 ngày tranh tài ở giải đồng đội danh giá nhất thế giới Ryder Cup lần thứ 39.
Các golf thủ Mỹ say sưa trên sân tập.
Ryder Cup diễn ra 2 năm một lần do Hiệp hội golf nhà nghề của Mỹ và châu Âu phối hợp tổ chức với địa điểm luân phiên. Năm nay giải diễn ra trên sân Medinah Country Club, ở Medinah, Illinois (ngoại ô phía tây bắc Chicago). Sân nhà của giải năm sau là Gleneagles Hotel, Auchterarder, Perth & Kinross, Scotland.
Ryder Cup có thể xem là sự kiện "bất thường" trong thể thao chuyên nghiệp thế giới. Thu về hàng chục triệu đô-la tiền bản quyền truyền hình và tài trợ, nhưng các golf thủ tuyệt nhiên không nhận tiền thưởng.
Lịch sử. Giải đấu bắt nguồn từ một trận giao hữu năm 1926 giữa đội chuyên nghiệp Mỹ với một đội do Hiệp hội golf Vương quốc Anh chọn lọc trên sân Phía Đông, Wentworth Club, Virginia Water, Surrey, Anh. Giải đấu chính thức đầu tiên diễn ra năm 1927 ở Worcester Country Club, Worcester, Massachusetts (Mỹ).
Ryder Cup lấy theo tên của người được cho là có công tạo ra nó, Samuel Ryder. Ông vốn là một thương gia, và đã đưa ra ý tưởng hình thành giải đấu và cũng là người tài trợ Cup cho mùa giải đầu tiên.
Thuở mới khai sinh, hai đội tỏ ra cân bằng. Nhưng kể từ sau Thế chiến thứ 2, tuyển Mỹ áp đảo về số chiến thắng. Điều này dẫn đến một quyết định, khởi nguồn từ huyền thoại Jack Nicklaus, là mở rộng phạm vi từ đội Vương quốc Anh sang toàn châu Âu bao gồm cả các golf thủ đến từ Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy và Thụy Điển, Tây Ban Nha. Sau 2 năm xây dựng từ ý tưởng đó, năm 1979 giải đấu trở thành cuộc chơi của toàn châu Âu với đội Mỹ.
Từ đó, châu Âu đã thắng 8 giải và một lần bảo vệ thành công chức vô địch, trong khi con số của Mỹ là 7. Châu Âu cũng không thua kể từ năm 1993 mỗi khi thi đấu trên sân nhà.
Ryder Cup thi đấu theo thể thức đấu lỗ, gồm có 8 trận đấu foursome, 8 trận fourball và 12 trận single (đánh đơn). Mỗi trận thắng sẽ ghi cho đội một điểm.
Foursome là trận đấu của nhóm mỗi đội gồm 2 golf thủ. Golf thủ cùng một đội đánh bóng luân phiên với cùng một bóng. Tại một lỗ, đội nào có số gậy ít nhất thì giành chiến thắng ở lỗ đó. Fourball cũng là trận đấu của nhóm mỗi đội hai golf thủ, nhưng cả 4 người đều đánh với quả bóng riêng của mình thay vì đánh bóng luân phiên. Tại một lỗ, chiến thắng sẽ thuộc về đội nào có cá nhân giành ít điểm nhất. Còn Single là hai golf thủ của hai đội đấu với nhau.
Giải sẽ kéo dài từ thứ Sáu đến Chủ nhật. Vào ngày thứ Sáu sẽ có 4 trận đấu fourball và 4 foursome diễn ra vào buổi chiều. Tương tư là ngày thứ bảy. Ngày chủ nhật đánh đơn. Không phải tất cả các golf thủ đều ra sân trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy mà điều này phụ thuộc vào sự chọn lựa của đội trưởng mỗi đội.
McIlroy là thành viên được kỳ vọng nhiều nhất của đội châu Âu năm nay.
Đội trưởng mỗi đội được lựa chọn dựa trên thành công trên sân golf, đặc biệt là kinh nghiệm ở các giải đấu lớn, trên 40 tuổi và ít nhất đã giành được một major. Đội trưởng năm nay của châu Âu là Jose Maria Olazabal (Tây Ban Nha), còn đội trưởng của Mỹ là Davis Love III.
Thành phần tham dự. Bên cạnh đội trưởng, mỗi đội có thêm 12 golf thủ nữa. Tiêu chí lựa chọn của mỗi đội tuyển là không giống nhau. Đội tuyển châu Âu lấy 5 golf thủ đứng đầu bảng tính điểm châu Âu (một điểm = một Euro kiếm được trong các giải đấu thuộc hệ thống European Tour) cùng 5 golf thủ đứng đầu bảng tính điểm thế giới và 2 suất còn lại do đội trưởng lựa chọn. Còn thành phần đội tuyển Mỹ là 8 golf thủ đứng đầu bảng tính điểm Ryder Cup và 4 thành viên do đội trưởng tự chọn.
Ứng viên cho chức vô địch năm nay chắc chắn là chủ nhà Mỹ. Tỷ lệ mà các nhà cái dành cho khả năng Mỹ vô địch là 7/10 (nghĩa là đặt 10 chỉ được ăn 7), trong khi đội châu Âu là 19/10. Lưu ý: khi đặt cược, phần được ăn càng ít thì có nghĩa là khả năng xảy ra điều đó càng cao.
Ở đội tuyển Mỹ năm nay các thành viên đã giành tổng 25 chức vô địch major, so với con số 5 khiêm tốn của châu Âu. Họ còn có lợi thế sân nhà và nhiều golf thủ đang đạt phong độ tốt hơn đội khách.
Nhưng, châu Âu đã thắng 6 trong 8 giải gần đây của Ryder Cup. Họ cũng có 4 trong số 5 golf thủ hàng đầu thế giới hiện nay là Rory McIlroy, Luke Donald, Lee Westwood và Justin Rose (dù rằng điều này cũng chẳng thể xem là một lợi thế thực sự, vì cách đây hai năm Mỹ cũng ở vào tình huống tương tự nhưng vẫn thất bại).
Sân Medinah là nơi Tiger Woods từng giành hai trong tổng số 14 danh hiệu major của anh ở đây, khi vượt qua Sergio Garcia năm 1999 và Luke Donald năm 2006, nhưng cũng kể từ đó sân đấu đã thay đổi về cả chiều dài lẫn kiểu dáng. Nó được cho là thích hợp với những golf thủ quen phát bóng mạnh và các chuyên gia săn birdie. "Đây không phải là kiểu sân quen thuộc với hai đội", Lee Westwood nhận xét. "Tôi không thấy nó có điểm nào thích hợp với đội này hay đội kia".
Cổ động viên sẽ rất đông, đó là nhận định chung của nhiều người. "Các cổ động viên sẽ đến đầy sân và tại điểm phát bóng đầu tiên, các golf thủ của chúng ta sẽ chứng kiến được sự huyên náo chưa từng thấy", đội trưởng đội Mỹ Davis LoveIII cảnh báo.
Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra tại một thành phố yêu thể thao như Chicago, khi mà trong những ngày thu ấm áp với bia lạnh chảy tràn trề... hoàn toàn có thể mong chờ một không khí sôi nổi từ sự xuất hiện của 40.000 khán giả trong mỗi ngày thi đấu.
Theo vnexpress