Diễn ra từ 26-28/9 tại sân Gleneagle, Scotland, giải đồng đội danh giá nhất của làng golf lần thứ 40 hứa hẹn tạo ra cuộc đối đầu đầy tính bất ngờ giữa các golf thủ hàng đầu châu Âu và Mỹ.
Trở về cái nôi của golf
Ryder Cup diễn ra hai năm một lần do Hiệp hội golf nhà nghề của Mỹ và châu Âu phối hợp tổ chức với địa điểm luân phiên giữa hai châu lục. Năm nay giải đấu diễn ra trên sân PGA Centenary, một trong ba sân thuộc CLB Golf Gleneagles, xứ Scotland - được xem như cái nôi của môn golf.
Đây là lần thứ hai, Scotland đăng cai giải đấu. Ở lần đầu tiên, CLB golf Muirfield là chủ nhà năm 1973.
Chủ nhà của giải năm nay được khai trương vào năm 1993 do huyền thoại Jack Nicklaus thiết kế và là sân đấu mới nhất thuộc CLB Gleneagles - nơi tổ chức giải Johnie Walker Classic thường niên trong hệ thống European Tour.
Khác biệt với tất cả các giải khác, ở giải đồng đội này, các golf thủ thi đấu với tinh thần đồng đội cao và dưới sự lãnh đạo của đội trưởng mỗi bên.
Một góc sân PGA Centenary.
So với giải lần trước, đội trưởng hai đội năm nay có sự thay đổi. Golf thủ lão luyện, người từng năm lần vô địch major, Tom Watson được Hiệp hội golf nhà nghề Mỹ chỉ định làm đội trưởng tuyển Mỹ từ tháng 12/2012. Ở tuổi 65, ông trở thành đội trưởng lớn tuổi nhất trong lịch sử Ryder Cup.
Bên phía tuyển châu Âu, golf thủ người Ireland Paul McGinley được chỉ định làm thủ quân hồi tháng 1/2013. Trước đó, ngôi sao 47 tuổi này từng là đội phó tuyển châu Âu vào các năm 2010, 2012. So với Tom Watson, Paul McGinley chưa từng chiến thắng giải major nào nhưng là golf thủ giàu thành tích nhất ở Ryder Cup hiện nay với năm lần chiến thắng trong cả năm lần tham dự.
Cuộc chiến của những ngôi sao
Một trong những lợi thế quan trọng tạo nên thành công của tuyển châu Âu thời gian qua là luôn duy trì tốt sự đoàn kết nội bộ. Bên cạnh đó, trong thành phần của tuyển châu Âu năm nay, hầu hết các golf thủ đều đang có sự ổn định, thậm chí phong độ hiện nay của họ còn đáng sợ hơn nhiều so với đội hình từng chiến thắng tuyển Mỹ ngay trên đất khách hai năm về trước.
Kết thúc mùa giải major năm nay, các golf thủ đến từ lục địa già đã khẳng định sự thống trị của mình khi giành chiến thắng tới ba trong bốn giải. Thậm chí trong bảng thứ bậc thế giới hiện nay, top 5 đều là người châu Âu.
McIlroy đang đạt phong độ cao. Ảnh: SNB.
Trái ngược với đối thủ, sự xáo trộn trong đội hình đã đeo đẳng tuyển Mỹ nhiều tháng trước khi giải khởi tranh: Dustin Johnson tuyên bố nghỉ thi đấu sáu tháng với nghi án dùng chất ma túy, cơn bão chấn thương lấy đi Jason Dufner, Tiger Woods...
Trường hợp của Woods có lẽ đáng tiếc hơn cả. Phong độ không còn như thời kỳ đỉnh cao, nhưng ở bất cứ giải đấu nào, sự có mặt của golf thủ từng 14 lần vô địch major luôn tạo ra một hấp lực lớn đối với người hâm mộ. Tuy nhiên, Woods từng bảy lần tham dự ở Ryder Cup và chỉ một lần giành chiến thắng.
Đổi lại, tuyển Mỹ mang đến Ryder Cup năm nay một đội hình gồm nhiều tài năng trẻ. Xu thế trẻ hóa cũng là một ưu tiên hàng đầu của tuyển Mỹ thời gian qua.
Sự vắng mặt của các hảo thủ dày dạn kinh nghiệm không phải là một điều quá tệ hại. Trái lại, đó còn là một cơ hội tốt đối với những golf thủ tài năng, những người đã thể hiện sự tiến bộ trong thời gian vừa qua như Rickie Fowler (25 tuổi) - người có thành tích tốt nhất mùa giải major 2014; Jordan Spieth (21 tuổi) - golf thủ trẻ triển vọng nhất nước Mỹ hay Patrick Reed (24 tuổi) - người luôn có thể tạo ra sự bất ngờ....
Fowler - một trong những niềm kỳ vọng lớn của tuyển Mỹ giải năm nay. Ảnh: AFP.
Một niềm an ủi nữa đối với người hâm mộ tuyển Mỹ là cá nhân đội trưởng Tom Watson. Ông được hy vọng sẽ đưa ra những “tuyệt chiêu” trước đối thủ. Nước Anh cũng từng mang lại một kỷ niệm đẹp đối với Watson trên cương vị đội trưởng khi ông dẫn dắt tuyển Mỹ đánh bại tuyển châu Âu năm 1993 trên sân golf Belfry. Đó cũng chính là giải đấu gần đây nhất tuyển Mỹ giành chiến thắng trên sân khách.
Theo vnexpress.net