HLV Toshiya Miura (T.Miu-ra) không phải một nhà cầm quân "thét ra lửa", nhưng đằng sau bề ngoài "nho nhã" của ông vẫn là cả một thứ tinh thần thép, một trái tim can đảm. Sức mạnh đích thực của ông nằm ở khả năng cảm hóa và thấu hiểu. Sức mạnh của quyền lực mềm.
Từ những ngày đầu tiên, hình ảnh "ông thầy" chạy hết 15-20 vòng sân cùng các cầu thủ đã khiến rất nhiều tuyển thủ bất ngờ: Miura không chỉ là "ông chủ", mà thật sự là người lãnh đạo của đội tuyển. Một HLV không chỉ biết chỉ trỏ và ra lệnh, mà còn sẵn sàng đồng hành với họ. Các tuyển thủ sau này đều thừa nhận rằng họ không những nể phục, mà còn yêu quý ông vì những quan tâm rất "con người", như cách ông tự tay đặt bánh sinh nhật và mua hoa để tặng học trò, hay chiêu đãi họ một bữa thịt nướng khi cảm thấy không khí trong đội tuyển nặng nề vì "quân luật".
Cùng đoàn quân của mình, ông đã bắt đầu hành trình AFF Cup trong sương giá. Những bàn thua ấu trĩ trận ra quân, rồi một trận "thắng mà không đã" - như đánh giá của hầu hết giới truyền thông, đã đặt lên vai họ những sức ép khủng khiếp.
Nhưng, HLV người Nhật Bản chưa từng "uốn mình" cho vừa lòng công chúng. Trận ra quân, ông cất cả hai "công thần" Công Vinh và Tấn Tài lên ghế dự bị. Trận thứ hai, ông kiên quyết cho các cầu thủ chơi bóng dài, dù đó là cách đá không thể làm người hâm mộ sướng mắt. Ba trận, ông sử dụng ba đội hình khác nhau, và đội trưởng Lê Tấn Tài phải hai lần không có tên trong đội hình xuất phát. Ông chỉ tập trung vào công việc của mình, và hoàn toàn không để ý tới phản ứng chung quanh, cũng như chẳng kiêng nể xem trong phòng thay đồ, ai là "ông chủ".
Đó là sự trầm tĩnh nổi tiếng trong tính cách người Nhật. Chúng ta không thấy ông mất kiểm soát, tỏ ra ngạo mạn khi chiến thắng hay quá lo lắng lúc khó khăn. Miura luôn cân bằng: Thành tích trên sân của ông lúc này ngày một tốt hơn, nhưng những phát biểu thì lại luôn mờ nhạt đến khiêm nhường.
Hai lượt bán kết tới đây sẽ là "bài kiểm tra" chuẩn xác nhất về năng lực của Miura, dù những gì ông đã làm được bước đầu tạo niềm tin rất lớn. Hy vọng rằng, ông sẽ thật sự "thổi" được sự trầm tĩnh của mình vào đội tuyển, để giải quyết một trong những băn khoăn nhức nhối nhất của các đội tuyển Việt Nam trong nhiều thời kỳ: Bản lĩnh. Đội tuyển không cần phải "hùng hổ", "gióng trống khua chiêng", không cần phải là trung tâm của mọi sự chú ý. Song, họ phải có tinh thần của một Samurai: Can đảm và bình thản. Giống như Miura.
theo nhandan.com.vn