Sau thành công 2014, Mercedes tiếp cận 2015 bằng sự thống trị còn lớn hơn. Nên không có gì khó hiểu khi hàng loạt thiết kế của họ bị các đối thủ sao chép. Hiệu quả của sự sao chép này có thể có, có thể không, nhưng đối thủ của Mercedes chắc chắn có thể học hỏi ít nhiều.
Không phải tất cả các đội đua đều sao chép từ Mercedes, Red Bull sở hữu thế mạnh khí động học và chắc chắn đối thủ sẽ tìm hiểu các thiết kế của họ. Ferrari cũng có những thế mạnh riêng, những điều họ thực hiện có hiệu quả sớm muộn gì cũng có người học theo.
Từ kỷ nguyên Turbo Hybrib, Mercedes chứng tỏ được tính ưu việt của thế hệ động cơ của mình mang mã hiệu PU106B được sử dụng năm 2015. Khi Honda trở lại F1 cùng McLaren, họ đã sao chép thiết kế của Mercedes hệ thống tua-bin từ máy nén khí trên sản phẩm động cơ RA615H của mình. Điều đầu tiên giúp McLaren sao chép được thiết kế này chính là nhờ mùa giải 2014 họ sử dụng loại động cơ PU106A của Mercedes.
Ferrari và Toro Rosso thiết kế hệ treo tương tự Mercedes
Hệ thống cánh gió trước bao gồm 6 lớp cánh điều hướng dòng chảy khí động kết hợp với hệ treo định vị bánh trước hình chữ Y thay cho hình chữ V thông thường của Mercedes đã chứng tỏ được tính ưu việt về mặt khí động học. Nó đã được cả Ferrari, Toro Rosso sao chép và giới thiệu ở chặng đua Austrian GP. Về mặt này, có lẽ Toro Rosso là đội đua thành công hơn khi họ còn áp dụng cả thiết kế này cho hệ treo sau.
Các lớp cánh hỗ trợ downforce mà Ferrari ‘học hỏi’ của đối thủ
Ferrari là đội học theo thiết kế của Mercedes nhiều nhất. Ở phần sau ống xả, ngay trên trụ đèn báo đuôi xe, W06 đã có thêm 2 cánh nhỏ và nó được lặp lại trên chiếc SF15-T, hiệu quả đem lại là giúp chiếc xe tăng downforce mà không tăng lực cản. Thêm một phần nữa được Ferrari ‘học hỏi’, đó là cánh nhỏ nằm sau cánh gió ngay trước sidepods, nó giúp tạo ra dòng khí xoáy hiệu quả. Mercedes áp dụng nó từ phiên bản 2014 và tiếp tục sử dụng thiết kế này cho mùa giải vừa qua.
Ngay từ đầu mùa, Mercedes đã giới thiệu cánh gió nhỏ gắn trên gần đỉnh lốp đầu xe kết hợp camera trước. Đến Silverstone, chi tiết này trên chiếc SF15-T cũng tương tự, và đến Hungaroring nó tiếp tục được sao chép trên chiếc RB11.
Chiếc xe đua F1 được thiết kế để hơn ½ downforce đến từ phần thân dưới chiếc xe. Bằng cách tăng tốc dòng khí động bên dưới gầm xe sẽ tạo ra hiệu ứng áp suất thấp ở phía dưới sinh ra downforce. Với các quy chuẩn hiện tại giới hạn về chiếc cao-rộng-dài của cánh gió trước bị hạn chế sẽ làm cho lực downforce được tạo ra ở phần này giảm đi.
Để khắc phục nhược điểm này, các đội đua đã học theo thiết kế mà Red Bull đã sử dụng từ năm 2011. Theo đó, để tăng hiệu quả, phần sàn xe được thiết kế có độ chênh lệch khi phần đầu xe thấp hơn phần đuôi xe. Xuất phát từ quy định cấm khí xả thổi khuếch tán, thiết kế phần đuôi xe cao hơn sẽ làm giảm đi việc dòng khí nhiễu loạn đẩy dòng áp thấp ra hai bên sườn xe dẫn đến giảm hiệu quả khuếch tán.
Do gầm xe phần đuôi cao hơn, nó tạo ra các xoáy kéo dòng áp thấp chảy dọc theo gầm xe một cách triệt để nhất để tạo downforce tối ưu. Về mặt này, mùa giải vừa qua dường như McLaren và Force India là những đội đua áp dụng hiệu quả nhất.
Cánh gió trước của W06 là thiết kế được nhiều đối thủ sao chép nhất. Với quy định cánh trước hẹp hơn, từ Thượng Hải, Mercedes đã áp dụng kiểu thiết kế này. Phần đầu sát mép đỉnh cánh gió trước được tạo dáng vòm vuông, phần sau mở rộng ra như hình phễu và kết thúc ngay trước lốp trước.
Nó tạo ra luồng khí động dẫn hướng dòng không khí chảy qua lốp trước và tạo ra hiệu quả downforce tối ưu cũng như giảm được tác động của dòng khí nhiễu loạn bên ngoài lốp xe. Red Bull là người đầu tiên theo đuổi thiết kế này, nhưng Mercedes mới là người đưa ra một chuẩn mực mới có tính hiệu quả cao nhất.
Chỉ đến chặng đua tại Silverstone thì Ferrari và Red Bull mới áp dụng theo Mercedes, trong khi Williams đến tận Hungary và McLaren là đội đua sau cùng sao chép thiết kế cho chặng đua tại Austin.
Theo 24h.com.vn