Sau khi đọc những số liệu sau, tôi hi vọng mọi người sẽ có một cái nhìn tích cực hơn và xây dựng một cuộc sống “yêu” vận động hơn. Theo nghiên cứu khoa học gần đây được đăng tải trên tạp chí Y khoa The Lancet (Anh), có khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động. Và Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn ba mươi phút mỗi ngày. Theo đó, trong một trăm người thì chỉ có hơn mười lăm người bỏ ra nửa tiếng đồng hồ mỗi ngày để vận động. Tỷ lệ này đáng báo động so với dân số gần 90 triệu người của nước ta hiện nay.
Một thực trạng đáng buồn là hiện nay, thể trạng của người Việt Nam kém xa với các nước trong khu vực, không những về chiều cao, cân nặng mà cả về các tố chất thể lực, sức bền bỉ. So với Nhật Bản, nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi thấp hơn 8cm (163,4cm so với Nhật Bản là 172cm); các thiếu nữ lứa tuổi này cũng thua 4cm về chiều cao (152,7cm so với Nhật Bản là 157cm). Thanh niên Việt Nam chỉ cao ngang thanh niên Lào, Myanmar nhưng thấp hơn thanh niên Campuchia.
Về sức bền chung trong vận động, thanh thiếu niên nước ta xếp loại rất kém so với các nước trong khu vực (theo nghiên cứu trong bài viết “Về nâng cao tầm vóc và thể trạng người Việt Nam” của GS. Dương Nghiệp Chí). Điều này là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đó là chưa kể đến sự thiếu vận động còn là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bệnh nguy hiểm như: tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư vú, ung thư đại tràng… gây ra hậu quả 5,3 triệu người tử vong mỗi năm trên thế giới.
Cái quý nhất của mỗi con người là sức khỏe và trí tuệ. Như vậy, đã đến lúc cần ý thức xây dựng một cuộc sống “yêu” vận động. Song song với điều đó đó, việc tăng cường các biện pháp đẩy mạnh phát triển phong trào thể thao trường học cũng là điều hết sức cần thiết. Chẳng hạn, phát triển các môn thể thao phù hợp lứa tuổi học sinh, như: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh…, tập trung bố trí, bồi dưỡng đào tạo đảm bảo số và chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy môn thể dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ cho trường học có điều kiện đầu tư sân chơi, bãi tập, dụng cụ… để phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Có như vậy, mới góp phần đẩy lùi tâm lý ngại vận động ở một bộ phận không nhỏ học sinh - sinh viên hiện nay. Chúng ta cần đầu tư, quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường vận động và thể dục thể thao để bản thân mỗi người tự trang bị cho mình sức khỏe, phòng ngừa các nguy cơ bệnh tật, từ đó có một cuộc sống năng động và tràn đầy sức sống.
Sống yêu vận động giúp con người có sức khỏe dẻo dai và yêu đời. Yêu vận động là hành động thiết thực góp phần cải thiện thể trạng người dân Việt Nam. Bởi luyện tập thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần lạc quan và cuộc sống tích cực hơn.