Công nghệ trên xe F1 được ví như “đến từ hành tinh khác”. Và, những con người ngồi trên chiếc xe ấy cũng mang những thông số siêu phàm, đặc biệt là tầm nhìn.
Ở mỗi chặng đua F1, khán giả thường thấy các bảng số liệu đặt dọc đường chạy, những lá cờ hiệu hay ánh đèn nhấp nháy thông báo dữ kiện... Những thứ ấy luôn đặt ra cho các tay đua bài toán về tốc độ nắm bắt và xử lí thông tin. Bằng cách nào đó, họ cần bao quát hết các thông tin ngoài đường đua mà vẫn phải tập trung chiến đấu với các đối thủ bên cạnh.
Trên một chặng đường ở F1 có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các tay đua.
Ở trạng thái bình thường, mỗi người cần 1,5 giây để nhận thấy vật cản trên đường, đưa thông tin lên não để xử lí và quyết định hướng lái xe thích hợp. Trong thời gian đó, với vận tốc gần 190 dặm/giờ, một tay lái F1 đã đi được quãng đường của một sân bóng đá cộng thêm một nửa sân nữa, tương đương gần 140 mét. Thêm một ví dụ nữa: Một tay lái đang bám đuôi đối thủ với cách biệt 0,2 giây thì đột ngột đối thủ phanh sớm để vào cua, họ phải nhanh chóng đánh lái sang một bên để tránh va chạm. Khả năng đó thực sự vượt quá sức của người thường.
Trên thực tế, đường đua còn có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tốc độ xử lí của các tay đua. Thứ nhất là các sự việc gây phân tâm. Đường đua kém hay trơn trượt do mưa có thể khiến bạn chật vật trong khâu xử lí. Sự tấn công từ phía sau của đối thủ khiến bạn phải tìm cách phản ứng lại và làm chậm tiến trình xử lý vô lăng. Các cuộc gọi từ đội đua hay việc đọc dữ kiện trên bảng điều khiển cũng vậy. Thứ hai là những biến cố đột xuất, như các pha đâm xe từ phía sau. Sự bất ngờ có thể làm tay lái xử lí chậm hay thậm chí không cần xử lí nữa vì sau một giây va cham, xe của bạn đã… nằm trên bãi cỏ. Cuối cùng là tầm nhìn bị che khuất ảnh hưởng đến phản xạ của tay đua, một đặc tính quan trọng nhất đối với tốc độ xử lí.
Thị lực của một tay đua F1 luôn phải ở 20/20 nhưng thực chất nó còn hơn cả như thế. Nghiên cứu của nhà báo Denis Jenkinson chỉ ra rằng khả năng thị lực của các tay đua F1 thực sự là từ một thế giới khác. Nó bao gồm khả năng đọc được những kí tự rất nhỏ mà Jenks phải dùng kính lúp để soi hay như khả năng trông thấy rất nhiều chi tiết nhỏ từ xe đối phương khi nhìn vào chiếc kính chiếu hậu bé xíu gắn trên xe.
Cố tay đua Brazil, Ayrton Senna, từng chia sẻ: “Khả năng định lượng khoảng cách của bạn được thể hiện thông qua thị giác, từ khoảng cách tầm nhìn cho đến khả năng phỏng đoán tốc độ phù hợp với mục tiêu phía trước. Hãy nói về một ví dụ như thế này: bạn có một mục tiêu phía trước và phải tính toán tốc độ cao nhất có thể để tiếp cận, giả sử là 150 dặm/giờ. Bạn phải đạt được 150 dặm/giờ ấy ở đúng thời điểm. Sẽ khá tệ nếu bạn dừng lại sớm hơn. Sự lo lắng sẽ tấn công đến tầm nhìn của bạn. Kĩ năng đoán định khoảng cách sẽ đạt được nếu bạn có tầm nhìn tốt”.
Trong lịch sử F1 có một vài tay đua phải đeo kính áp tròng được thiết kế đặc biệt từ nhựa tổng hợp. Đó là loại kính với khả năng chống lửa và chống bám sương có cấu tạo theo từng lớp xếp chồng lên nhau để hạn chế tối đa bụi bám và dầu nhưng lại phải đảm bảo không gây đổi màu đèn tín hiệu trên đường đua. Tuy nhiên, đó chỉ là một số ít. Đa số các tay lái luôn đạt thị lực cao nhất. Mỗi người trong số họ đều nhận thức được rằng, thế trận sẽ hoàn toàn thay đổi nếu họ lỡ đi một chi tiết dù là nhỏ nhất.
Nhiều tay đua đã phải từ bỏ cả sự nghiệp khi gặp vấn đề liên quan đến đôi mắt. Helmut Marko, cố vấn thể thao của Red Bull, nổi tiếng trong vai trò “cánh tay phải” của đội đua Áo. Trên thực tế ông từng là một tay lái rất tiềm năng ở F1. Tiếc thay, khi đang thi đấu ở GP Pháp năm 1972, một hòn đá văng lên từ chiếc xe phía trước đã bắn vào mắt trái khiến Marko suy giảm thị lực và phải từ giã trò chơi tốc độ. Một trường hợp khác phải tạm biệt sự nghiệp đỉnh cao do vấn đề thị lực là Johnny Servoz-Gavin. Năm 1970, Servoz-Gavin đang ở phong độ cao nhưng vì một tai nạn ngoài đường đua khiến ông phải gác vô lăng vĩnh viễn. Một nhánh cây đã đâm vào mặt khi ông đang lái xe trong kì nghỉ và những vấn đề đáng lo ngại về thị lực bắt đầu xuất hiện. Tại chặng đua Monaco, sau màn đua phân hạng tệ hại, Servoz-Gavin quyết định giải nghệ, để lại rất nhiều nuối tiếc. Tại nạn của Felipe Massa tại Hungary năm 2009 cũng gần tương tự như của Marko, khiến phong độ của anh ngày một đi xuống.
Bên cạnh tầm nhìn, phản xạ của mắt cũng cực kì quan trọng. Những cử động siêu việt ấy được xem là một trong những phản xạ nhanh nhất hành tinh. Tốc độ phản ứng vào khoảng một phần trăm giây giúp họ có thể phát hiện ra những tín hiệu rất nhỏ. Việc nhận diện chuyển động của đối thủ nhanh hơn sẽ giúp họ phát hiện hướng chạy sớm hơn để từ đó có chiến thuật chiến đấu hợp lí. Không những thế, tầm nhìn nhanh sẽ hỗ trợ họ trong việc vào cua tốt hơn và phòng ngừa được những tai nạn đáng tiếc.
Để tiếp nhận rất nhiều dữ kiện xung quanh đường chạy cũng như thông số trên vô lăng, mỗi người ngồi trong buồng lái phải ghi nhớ hết thông tin chỉ qua một cái liếc mắt. Độ đảo mắt của họ phải thuộc hàng vi số mới có thể lưu hết mọi thứ vào đầu để sau đó xử lí chúng thật hiệu quả. Phản xạ với tín hiệu đèn của các tay đua ứng với 100 mili giây. Một VĐV chạy đua sẽ phạm lỗi xuất phát nếu phản ứng với tiếng súng trong cùng khoảng thời gian ấy. Dù cho tốc độ âm thanh là chậm hơn tốc độ ánh sáng, các thành viên của F1 vẫn phải có một hệ thần kinh phản ứng thuộc hàng khủng khiếp. Trong khi đảo nhanh qua các cao độ xung quanh, đôi mắt họ vẫn có thể liếc qua bảng dữ kiện trên xe với 0,1 giây. Đấy gần như là tốc độ tối thiểu mà một con người cần để tiếp nhận thông tin. So với người bình thường, thời gian cần thiết phải gấp năm lần số lượng ấy.
Nhiều người cho rằng, F1 là môn thể thao của công nghệ và chiến thuật khi những cải tiến ngày càng can thiệp sâu vào kết quả cuối cùng. Thế nhưng, nó sẽ không bao giờ trở thành trò chơi hấp dẫn nhất hành tinh nếu thiếu đi yếu tố con người - những tay đua với đôi mắt “thần thánh”.
Theo vnexpress.net