Các hoạt động thể dục thể thao dù là nhẹ nhàng nhất như đi dạo cùng bé với xe đẩy cũng đều giúp những bà mẹ giảm thiểu chứng trầm cảm sau sinh.
“Hậu quả tiêu cực của chứng trầm cảm sau sinh không chỉ tác động đến người mẹ mà còn ảnh hưởng tới cả em bé. Quá trình nhận thức, giác quan, cảm xúc của trẻ có thể chậm phát triển”, Celia Alvarez-Bueno, nhà nghiên cứu tại ĐH Castilla-La Mancha (Tây Ban Nha) cho biết.
Chứng trầm cảm sau sinh khá phổ biến ở những bà bầu. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 9 phụ nữ thì có 1 người phải chịu chứng trầm cảm. Còn ở tại Anh, 140.000 bà bầu bị chứng trầm cảm sau sinh mỗi năm. Biểu hiện của chứng trầm cảm ở các bà mẹ: nỗi lo lắng, cảm giác bất an thường trực, khó chịu, mệt mỏi, cảm giác tội lỗi, sợ làm hại em bé, miễn cưỡng cho trẻ bú mẹ.
Các triệu chứng diễn ra trong vòng 4 tuần đầu và tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn trong 2 tuần tiếp theo.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người
Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần.
Biểu hiện của trầm cảm:
Cảm thấy vô dụng và tuyệt vọng
Thay đổi thói quen ngủ, có thể ngủ nhiều hơn hay ít hơn bình thường
Hay nóng nảy, tức giận
Khóc nhiều hơn
Thay đổi thói quen ăn uống, lên cân hoặc sụt cân
Tự cô lập
Cạn kiệt năng lượng tích cực
Có hành vi liều lĩnh
“Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải thử các cách để phòng chống tình trạng rối loạn hoặc giảm thiểu hậu quả của triệu chứng này”, Alvarez-Bueno chia sẻ.
Cô và nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu các cuộc kiểm thử thông qua một số hoạt động thể thao can thiệp từ năm 1990 đến 2016 và nhận thấy sự tác động tích cực của các hoạt động thể dục thể thao đối với chứng trầm cảm. Tổng cộng 932 phụ nữ đã được kiểm tra mức độ trầm cảm, kèm theo thông tin cơ bản về các chỉ số cơ bản của những người mẹ này: loại hình vận động (thở và co giãn cơ, đi bộ, tập aerobic, pilates, yoga), thời gian kéo dài của tuổi tập, tần suất tập luyện, cường độ vận động.
So sánh với nhóm đối tượng phụ nữ không tập thì nhóm có tập thể thao có điểm số thấp hơn trong bài kiểm tra chứng trầm cảm. Lợi ích rõ ràng của việc tập thể thao còn được nhận thấy ngay với cả nhóm phụ nữ mà các triệu chứng không thể phân tích được một cách rõ ràng.
“Chúng tôi hi vọng các hoạt động thể dục thể thao có thể giảm các triệu chứng trầm cảm sau khi sinh", Alvarez-Bueno nói. "Tuy nhiên, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng thể dục thể thao khi mang bầu cũng có thể giảm chứng trầm cảm”.
Các hoạt động thể thao can thiệp đều áp dụng tối thiểu 3 tháng với tần suất từ 3 tới 5 lần trong 1 tuần. Tuy nhiên, nghiên cứu không có kết luận hay chỉ rõ ra loại hình vận động nào, trong khoảng thời gian bao lâu thì có lợi ích tốt nhất đối với bà mẹ.
“Chúng ta đều biết rằng thể dục thể thao có lợi ích đến sức khỏe và tinh thần đối với người trưởng thành. Chỉ cần họ tập thể dục thể thao đều đặn mà thôi”, bà Beth Lewis (ĐH Minnesota) cho biết. “Với triệu chứng trầm cảm sau khi sinh thì phức tạp hơn do các bà mẹ rơi vào tình trạng stress và thiếu ngủ. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu về tác dụng của hoạt động thể thao đối với triệu chứng này”.
Các nghiên cứu trong tương lai sẽ có thêm những dữ liệu chi tiết hơn về loại hình vận động, tần suất và cường độ có tác dụng giảm chứng trầm cảm rõ rệt để giúp các chị em có thể tập theo.
Theo các nhà nghiên cứu, chứng trầm cảm sau sinh là vấn đề cấp thiết bởi mức độ ảnh hưởng của nó lên các bà mẹ và thai nhi.