Diễn ra từ ngày 10 đến 24-10-1964, thế vận hội đầu tiên được tổ chức ở một quốc gia châu Á thu hút sự góp mặt của 5.151 vận động viên đến từ 93 quốc gia, tham gia thi đấu tại 163 nội dung. Trong ảnh là màn trình diễn của lực lượng không quân Nhật Bản Blue Impulse, tạo nên những vòng tròn biểu tượng của thế vận hội trong ngày khai mạc.
Năm 1964 là lần đầu tiên một thế vận hội được phát sóng trên toàn thế giới, thông qua vệ tinh địa tĩnh đầu tiên được sử dụng cho mục đích thương mại. Nhiều hình ảnh của sự kiện thể thao này đã được đưa vào bộ phim tài liệu "Tokyo Olympiad" của đạo diễn Kon Ichikawa. Đây cũng là bộ phim về thế vận hội hay nhất từng được thực hiện.
Sinh ra tại Hiroshima ngày 6-8-1945 - thời điểm Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố này, ông Yoshinori Sakai vinh dự là người chạy tiếp sức cuối cùng, thắp sáng ngọn đuốc thế vận hội tại sân vận động quốc gia ở Tokyo. Lựa chọn này nhằm tưởng nhớ các nạn nhân và kêu gọi hòa bình cho thế giới.
Thế vận hội mùa hè 1964 là lần cuối cùng đường chạy với bề mặt phủ xỉ than được áp dụng ở môn điền kinh và cũng là lần cuối sử dụng đồng hồ bấm giờ bằng tay. Ở nội dung 100m, Bob Hayes là người đầu tiên cán đích với kỷ lục 9,1 giây. Dù còn nhiều tranh cãi, vận động viên người Mỹ vẫn được đánh giá là chân chạy nhanh nhất mọi thời đại trước kỷ nguyên của "Tia chớp đen" Usain Bolt. Giai đoạn từ 1962 đến 1964, Bob Hayes giành chiến thắng toàn bộ 49 cuộc thi từng tham gia.
Danh hiệu Fair Play chính thức đầu tiên nhằm tôn vinh tinh thần thể thao đã được trao cho hai vận động viên đua thuyền Lars Gunnar Kall và Stig Lennart Kall. Thay vì về đích, cặp vận động viên người Thụy Điển quyết định từ bỏ cuộc đua để cứu sống hai đối thủ bị chìm thuyền. Tính đến năm 2020, danh hiệu này mới được trao tặng 4 lần.
Sự kiện thể thao năm 1964 là lần đầu tiên xuất hiện các nội dung thi đấu mới, gồm judo nam và bóng chuyền nam/nữ. Trong ảnh là vận động viên bóng chuyền Brazil Ramalho Oliveira (áo số 8) chặn một cú đánh của đối thủ người Nhật Bản Terushia Moriyama.
Tại Thế vận hội mùa hè 1964, Nhật Bản đứng thứ 4 trên bảng tổng sắp khi giành được 16 HCV, 5 HCB và 8 HCĐ. Dẫn đầu bảng là Liên Xô với 91 huy chương, gồm 30 HCV, 31 HCB và 35 HCĐ. Trong ảnh là lễ trao huy chương nội dung cá nhân toàn năng môn thể dục dụng cụ nam.
Thành công trong việc chứng minh năng lực tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới như Thế vận hội mùa hè 1964 đã mang lại cho Nhật Bản 3 giải thưởng danh giá của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), gồm bằng khen, cúp Olympic và Bonacossa - danh hiệu đã bị ngừng trao tặng sau phiên họp lần thứ 75 của IOC tại thành phố Vienna (Áo) năm 1974.