Vào những ngày lễ, tết ngoài những lúc du xuân, đồng bào dân tộc chỉ cần một sợi dây thừng tự tổ chức trò chơi kéo co với sự tham gia của hàng chục người. Những người tham gia môn kéo co có thể chia đội theo tốp nam, nữ; các xã, bản, dòng họ…
Thông thường cuộc thi kéo co tự phát có những quy ước riêng do những người chơi thống nhất với nhau. Các cuộc thi có Ban tổ chức, các đội tham gia phải tuân thủ các quy định chung về số người tham gia trực tiếp, gián tiếp và trọng lượng toàn đội trực tiếp tham gia: hạng cân, số lượng vận động viên, hình thức thi đấu… Cho dù môn kéo co chơi dưới dạng tự phát hay có tổ chức thì sự vui nhộn luôn là đặc tính của môn chơi dân dã này mà vẫn hấp dẫn vì kịch tính của cuộc thi. Để chiến thắng, môn kéo co phải có sự thống nhất về lực của tất cả các vận động viên và như vậy thông thường đội phải cử ra một người bắt nhịp. Những tiếng “hò dô ta” và sự cổ vũ của cổ động viên hai đội “cố lên, cố lên” tạo nên sân chơi lành mạnh mang tính đồng đội, thể hiện sự đoàn kết cao. Như vậy kéo co là môn chơi mang tính đoàn kết, cộng đồng, thể hiện nét đẹp văn hóa cao.
Bắn nỏ có lẽ được ra đời trong điều kiện sống của con người ở vùng rừng núi, xuất phát từ việc đi rừng, lao động sản xuất. Để thích nghi với môi trường nghề rừng, con người đã chế tạo và sử dụng nỏ để săn bắn, chống chọi sự tấn công của thú rừng. Ngày nay, săn bắt động vật hoang dã không còn phù hợp, nhưng như để nhắc lại truyền thống đấu tranh sinh tồn của tổ tiên, người vùng cao vẫn lưu giữ những chiếc nỏ tự tạo và vào những dịp lễ hội, đồng bào lại tổ chức thi bắn nỏ để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc. Bắn nỏ là môn thể thao truyền thống, đã được đưa vào thi đấu tranh giải trong các kỳ đại hội thể dục thể thao cấp quốc gia. Vận động viên bắn nỏ đòi hỏi phải có thần kinh khỏe, tâm lý bình tĩnh, mắt sáng và tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Đây là môn đòi hỏi kỹ thuật, tính chính xác cao và thể hiện sức mạnh của một dân tộc. Vận động viên có thể tham gia thi đấu đơn nam, đơn nữ hoặc phối hợp đồng đội.
Đẩy gậy là môn thi cần đến sức khỏe và sự khéo léo của vận động viên. Đẩy gậy hấp dẫn người xem do kịch tính của môn thi. Hai vận động viên cùng hạng cân ra sân chào khán giả trong trang phục đặc trưng. Trọng tài giữ thăng bằng cho gậy, hai vận động viên trong tư thế sẵn sàng. Tiếng còi của trọng tài vang lên, các vận động viên vào cuộc trong tiếng reo hò của khán giả. Trong môn đẩy gậy, hiệp đấu được diễn ra nhanh hay chậm tùy theo sự cân bằng về trình độ, sức lực của 2 vận động viên. Thi đấu trong một vòng tròn cố định do ban tổ chức quy định, vận động viên nào bị đối thủ đẩy bật ra khỏi xới là thua. Khi thi đấu, môn đẩy gậy được phân ra thành các hạng cân, tùy theo số lượng vận động viên tham gia, ban tổ chức bố trí các hình thức: vòng tròn tính điểm, loại trực tiếp, đấu theo bảng...
Trong điều kiện địa hình không bằng phẳng và chia cắt, ít có địa thế đất bằng phẳng để xây dựng các sân vận động phát triển các môn thể thao hiện đại. Thêm vào đó, phong tục tập quán của đồng bào vùng cao là sinh sống tập trung theo bản, khu dân cư ở những nơi thuận tiện về nước và phù hợp với môi trường lao động. Do vậy việc tổ chức các môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng chuyền... là rất khó khăn. Việc phát huy các môn thể thao truyền thống tại địa bàn vùng cao là phù hợp với điều kiện sống và nhu cầu chính đáng của đồng bào vùng cao. Thể thao nói chung và môn thể thao dân tộc truyền thống phát triển giúp cho con người ngày càng hoàn thiện toàn diện về trí, đức, thể, mỹ, góp phần củng cố sức mạnh dân tộc.
Theo Báo Điện Biên Phủ