Làm việc quá nhiều, ngủ quá ít, cơ thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi muốn điên... bạn tự nhủ đến cuối tuần phải đi chơi, đi spa, hay đi làm gì đó để giải tỏa thôi (nhưng thật ra đã rất nhiều cuối tuần trôi qua mà bạn vẫn phải bám chặt lấy công việc và những căng thẳng của mình). Tình trạng này càng tích tụ lâu ngày càng khó xử lý, hãy đừng “định”, đừng “đợi” nữa, có một phương pháp giúp bạn giải tỏa ngay đây, không cần nhiều thời gian, nhiều tiền bạc, và cũng chẳng cần phải đi đâu.
Hít thở là cách tốt nhất giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng. Ảnh minh họa.
1. Kỹ thuật hít thở bằng bụng
Độ khó: Phù hợp với tất cả mọi người.
Bạn đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng, hít sâu bằng mũi, sử dụng cơ hoành, giữ khí ở bụng chứ không phải ở ngực nhưng đủ để tạo cảm giác căng căng ở phổi. Hãy hít thở sâu 6-10 nhịp chậm như vậy mỗi phút, trong vòng 10 phút/ngày, bạn sẽ thấy nhịp tim và huyết áp của mình được điều hòa. Bạn hãy duy trì phương pháp thở này lâu dài để những lợi ích cũng sẽ ở lại lâu dài với bạn.
Kỹ thuật này áp dụng tốt nhất trước khi bạn bước vào phòng thi, hoặc trước bất kỳ tình huống căng thẳng nào - những ai đang căng thẳng sẽ thấy hơi khó khăn trong việc điều chỉnh hơi thở của mình, nhưng hãy cố gắng, bạn sẽ thấy kết quả bất ngờ.
2. Kỹ thuật thở Sama Vritti
Độ khó: Phù hợp với tất cả mọi người.
Kỹ thuật này giúp bạn cân bằng cơ thể, trấn tĩnh hệ thần kinh, tăng khả năng tập trung, giảm stress. Hãy bắt đầu bằng cách hít vào - đếm tới 4, sau đó thở ra (tất cả đều bằng mũi) - đếm tới 4; bạn cũng có thể hít thở sâu hơn bằng cách đếm đến 6 hoặc 8.
Kỹ thuật này áp dụng tốt nhất ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, nhưng đặc biệt hiệu quả vào trước khi đi ngủ, vì giống như cách giúp phân luồng những suy nghĩ đang đan chéo trong đầu bạn, sắp xếp mọi thứ gọn gàng lại và giúp bạn bình tĩnh hơn.
Hít thở đúng giúp kết nối tâm trí với cơ thể. Ảnh minh họa.
3. Kỹ thuật Nadi Shodhana
Độ khó: Trung bình
Hít thở đúng cách là điều mà những người tập yoga hướng tới, để kết nối tâm trí với cơ thể mình, để hình thành và duy trì sự cân bằng. Bạn hãy ngồi thẳng lưng, thoải mái, tay trái đặt thoải mái trên đùi, tay phải “thao tác” ở trên mũi. Đầu tiên, bạn dùng ngón cái bịt lỗ mũi bên phải, hít sâu vào qua lỗ mũi bên trái; sau đó dùng ngón nhẫn bịt nốt cả lỗ mũi bên trái, giữ hơi thở một lát; mở lỗ mũi bên phải và thở ra. Sau đó tiếp tục lặp lại việc hít vào qua lỗ mũi phải, giữ hơi, thở ra qua lỗ mũi bên trái. Bạn có thể lặp lại bao lần tùy theo ý muốn, miễn là kết thúc bằng việc thở ra qua lỗ mũi bên trái.
Kỹ thuật này cũng có tác dụng “điều hòa giao thông” như kỹ thuật thở Sama Vritti, tuy nhiên với độ khó cao hơn một chút.
4. Kỹ thuật Kapalabhati
Độ khó: Cao
Bạn đã sẵn sàng cho một ngày tươi sáng từ trong ra ngoài? Kỹ thuật hít chậm và sâu, sau đó thở ra nhanh và mạnh với hơi từ bụng này thích hợp với bạn. Khi đã quen và cảm thấy dễ chịu, bạn hãy tăng tốc sao cho một nhịp hít-thở (đều bằng mũi) diễn ra chỉ trong 1-2 giây, tổng cộng 10 nhịp như vậy.
Kỹ thuật này tốt nhất nên áp dụng khi bạn thức dậy hoặc khi muốn thay đổi không khí, tô màu tươi sáng hơn cho cảnh vật trước mắt mình. Hít thở như thế này không chỉ tác động nhiều đến vùng bụng của bạn mà còn có tác dụng giống như làm nóng, khởi động cơ thể, đánh thức não bộ và kích thích nguồn năng lượng.
Hít chậm và sâu, sau đó thở ra nhanh và mạnh với hơi từ bụng. Ảnh minh họa.
5. Kỹ thuật thư giãn căng - chùng cơ
Độ khó: Phù hợp với tất cả mọi người.
Bạn hãy nhắm mắt lại và tập trung vào việc siết - thả mỗi nhóm cơ mỗi lần khoảng 2-3 giây. Hãy bắt đầu từ ngón chân và bàn chân, sau đó chuyển dần lên đầu gối, đùi, mông, ngực, cánh tay, bàn tay, cổ, hàm… tất cả được thực hiện trong lúc vẫn hít thở sâu. Nếu cảm thấy khó, bạn có thể siết cơ lại, hít vào bằng mũi, giữ hơi trong khi đếm đến 5, sau đó bạn thở ra bằng mồm và thả lỏng cơ.
Kỹ thuật này có thể được thực hiện tại nhà, tại bàn làm việc của bạn, thậm chí cả trên đường. Tuy nhiên lưu ý rằng nếu việc giữ hơi thở khiến bạn cảm thấy không thoải mái, hãy giảm thời gian nín thở lại vài giây, đừng để mình bị chóng mặt nhé.
6. Kỹ thuật hít thở và hình dung
Độ khó: Trung bình
Bạn hãy hít thở sâu trong khi tập trung vào một hình ảnh tích cực, dễ chịu, thay cho những suy nghĩ tiêu cực. Kỹ thuật này giúp tâm trí bạn không bị lang thang giữa mớ bòng bong căng thẳng.
Kỹ thuật này có thể áp dụng ở bất kỳ đâu mà bạn có thể nhắm mắt, thả tay (theo đúng nghĩa đen nhé, chẳng hạn như khi đang ngồi trên xe thì không làm được đâu).