Ngành Thể thao Fitness tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh, với sự đầu tư ngày càng tăng cao từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Sự kết hợp giữa nhu cầu sức khỏe tăng cao và các tiến bộ công nghệ đang tạo nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển của môn thể thao này. Ngày càng nhiều người coi trọng fitness như một phần của cuộc sống hàng ngày, nhu cầu đối với các dịch vụ và sản phẩm đa dạng sẽ tiếp tục tăng lên, thúc đẩy ngành Thể thao này tăng trưởng.
Lợi nhuận ổn định và bền vững
Khác với nhiều ngành kinh doanh, kinh doanh phòng tập thể dục (Fitness) chỉ cần đầu tư ban đầu tốt, là sau đó gần như là khai thác tận thu không phí bảo trì, không cần tái đầu tư, lợi nhuận ổn định và cực kỳ bền vững. Chính vì vậy mà ngành Thể thao Fitness ở Việt Nam đang được đầu tư, phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Tổng doanh thu trong thị trường sức khỏe và fitness được dự báo tăng trưởng từ mức 4,07 triệu USD năm 2022 lên gần 6 triệu USD vào năm 2027, đạt tốc độ tăng trưởng ước tính khoảng 10%/năm.
Rất nhiều “ông lớn” quốc tế đã đến, đầu tư và khai thác ổn định tại thị trường Việt Nam hàng chục năm nay và mở rộng thêm rất nhiều chi nhánh, mở rộng chuỗi phòng tập của mình.
Cụ thể là các hệ thống tập luyện nổi tiếng thế giới như California Fitness & Yoga (CYF), 25 Fit, Elite Fitness, Diamond Fitness Center và City Gym… đều đã có mặt, cho thấy thị trường này đang trong giai đoạn bùng nổ với triển vọng và cơ hội phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố thuận lợi khác nhau, như: tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự gia tăng ngày càng đông đảo của tầng lớp trung lưu, hoạt động đào tạo và trình độ, kỹ năng ngày càng chuyên nghiệp của các tư vấn viên, huấn luyện viên cũng như sự đa dạng của các gói sản phẩm tập luyện đa phương thức…đang thu hút rất đông khách hàng ở mọi lứa tuổi và đáp ứng mọi nhu cầu tập luyện.
Nhìn vào hệ thống chuỗi phòng tập thể hình lớn nhất Việt Nam là California Fitness & Yoga với 49 phòng tập gồm 37 phòng tập tại 8 thành phố lớn, 12 phòng tập sử dụng công nghệ giảm mỡ Hypoxi, 3.000 nhân viên và 200.000 hội viên trong vòng gần 15 năm hoạt động tại Việt Nam, đủ thấy lĩnh vực này tiềm năng phát triển như thế nào.
CFY hiện thuộc Fitness & Lifestyle Group, doanh nghiệp sở hữu các chuỗi câu lạc bộ trong ngành thể dục thể hình tại năm nước gồm Úc, New Zealand, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Ngay từ khi mở câu lạc bộ đầu tiên ở Việt Nam, CFY đã chọn định hướng phát triển chuỗi, đặt trong các trung tâm thương mại, chung cư và tập trung cung cấp các bài tập phát triển sức mạnh và cơ bắp thông qua các bài tập với tạ, máy kéo, máy đẩy cơ.
Hay một thương hiệu khác cũng nổi không kém, chỉ vào Việt Nam sau Cali có 2 năm. Đó là tập đoàn Life Style Việt Nam (thuộc BIM Group) đang có 14 câu lạc bộ Elite Fitness trên cả nước và đều đặt tại những vị trí đắc địa. Ông Đoàn Quốc Huy, chủ tịch hội đồng quản trị Elite Fitness cho biết: “Chúng tôi phục vụ 35 ngàn hội viên. Họ thuộc nhóm có thu nhập cao, là chủ doanh nghiệp, người nổi tiếng, nghệ sĩ… có yêu cầu cao về trải nghiệm từ môi trường tập luyện đến chuyên môn của người hướng dẫn và dịch vụ tiện ích kèm theo”.
Báo cáo tài chính của Elite Fitness cho biết sau dịch, họ đã bắt đầu lãi lớn trở lại, năm 2022 là thu 200 tỉ đồng và lỗ 80 tỉ đồng. 2023 lãi gấp nhiều lần và không còn lỗ nữa.
Không chỉ có dịch vụ tập luyện mà thị trường cung cấp các thiết bị Gym Spa hay Fitness cũng đang rất thu hút nhiều khách hàng. Bởi không chỉ các thương hiệu Fitness lớn có nhu cầu mà nhiều phòng tập khởi nghiệp, phòng tập bình dân cũng mọc lên “như nấm”.
Điều này chứng minh, Fitness & Gym sẽ là thị trường có nhiều đột phá về doanh thu đối với các nhà đầu tư và đương nhiên sẽ đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế nếu được các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc, bài bản; đặc biệt là nếu xây dựng hệ thống chuỗi phòng tập.
Quỳnh My