Hành trình hơn 10 năm của 10 môn nhóm 1
Năm 2010, ngành Thể thao tạo nên bước đột phá trong việc xác định các môn thể thao, nội dung trọng điểm. Khi đó, Tổng cục Thể dục thể thao đã tham mưu để Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lần đầu tiên ngành Thể thao xác định 10 môn trọng điểm nhóm 1, gồm: Điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, vật nữ, boxing nữ, bắn súng và karatedo.
Ngoài hai môn cơ bản là điền kinh và bơi, các môn còn lại đều được xem là mũi nhọn trong việc giành vé tham dự và tranh chấp huy chương ASIAD, Olympic. Việc xác định nhóm môn trọng điểm căn cứ vào thành tích và điều kiện phát triển những môn này trong các giai đoạn trước đó, và dự báo sự phát triển của những môn này tại đấu trường quốc tế trong tương lai.
Vận động viên (VĐV) nhóm môn trọng điểm nói trên đã phần nào chứng tỏ vai trò chủ lực trong “đội hình” thể thao Việt Nam, đặc biệt là bắn súng, điền kinh. Rõ nhất là bắn súng, với tấm huy chương vàng (HCV) lịch sử tại Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Còn điền kinh cũng đặt những dấu mốc lịch sử tại sân chơi ASIAD, trong đó rõ nhất là việc Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo giành HCV tại ASIAD 2018.
Tuy vậy, VĐV những môn trọng điểm nhóm 1 không phải bao giờ cũng chứng tỏ được vai trò của mình. Như tại ASIAD 2014, thể thao Việt Nam chỉ giành được 1 HCV nhờ công của VĐV thuộc môn ở nhóm 2 là wushu. Tấm HCV của võ sĩ Dương Thúy Vi đã giúp thể thao Việt Nam tránh khỏi một kỳ đại hội trắng tay trong bối cảnh VĐV các môn trọng điểm nhóm 1 đều không thể hoàn thành mục tiêu.
Tại Olympic Tokyo 2020, sự kỳ vọng giành huy chương được đặt vào cử tạ, dù mong manh, nhưng cuối cùng các lực sĩ Việt Nam đã làm người hâm mộ thất vọng. Bóng bàn là môn trọng điểm nhóm 1 nhưng chưa bao giờ chứng tỏ khả năng giành huy chương tại ASIAD, và HCV SEA Games vẫn là mục tiêu thiết thực nhất đối với môn này. Mà nhiệm vụ giành HCV SEA Games thì có quá nhiều môn thể thao ở nhóm 2 có thể đáp ứng.
Bởi thế, không phải ngẫu nhiên khi trong cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Tổng cục Thể dục thể thao, đã có ý kiến đặt ra yêu cầu xác định lại các môn thể thao trọng điểm để những môn được chọn thực sự là mũi nhọn, tránh cảnh bập bõm về thành tích.
Sẽ có thay đổi trong nhóm môn trọng điểm
Khi nhìn nhận về các cuộc so tài của VĐV Việt Nam ở đấu trường thế giới, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục Thể dục thể thao) Ngô Ích Quân nhận định rằng, thể hình, sức mạnh luôn là điểm hạn chế của VĐV Việt Nam, đặc biệt là ở những môn thể thao đòi hỏi cao ở những yếu tố này. Đó là một phần nguyên nhân khiến VĐV Việt Nam khó có thể tranh chấp huy chương Olympic ở các môn võ, điền kinh, bơi...
Cũng vì vậy, theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn, trong thời gian tới, ngành Thể thao sẽ tổ chức hội nghị bàn tròn với lãnh đạo thể thao các tỉnh, thành, ngành để thảo luận về định hướng phát triển các môn thể thao tham dự đại hội thể thao quốc tế quan trọng, qua đó tạo cơ sở để hoàn thiện bức tranh thể thao thành tích cao trong dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đới Đăng Hỷ nhận định, việc xác định lại các môn thể thao trọng điểm nhóm 1 sẽ phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có đặc điểm về thể hình, sức mạnh của các VĐV. Về số môn trọng điểm nhóm 1, có thể không nhất thiết phải là 10 môn như trước, mà có thể chỉ là 4 - 5 môn thực sự có khả năng tranh chấp HCV ASIAD, huy chương Olympic. Đương nhiên, đã là môn trọng điểm nhóm 1 thì phải được đầu tư tương xứng. Và chỉ sau khi xác định được nhóm môn, nội dung trọng điểm thì mới có thể xác định rõ nhóm VĐV trọng điểm cần được đầu tư đặc biệt.