Ngày 11.10.2017, huấn luyện viên Park Hang-seo chính thức ra mắt trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Hôm nay, tròn 4 năm ông Park gắn bó với bóng đá Việt Nam. Nhìn lại những thành tích mà ông giành được đều là những mốc son quan trọng.
Ông Park đến với bóng đá Việt Nam sau khi VFF chia tay huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng. Đó là giai đoạn "khủng hoảng" của bóng đá Việt Nam khi chúng ta liên tiếp thất bại từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến U23 ở đấu trường Đông Nam Á. Những ý kiến chỉ trích khiến VFF đứng trước những áp lực lớn.
Huấn luyện viên Park Hang-seo ký hợp đồng với VFF có vai trò lớn của bầu Đức trong việc tìm kiếm và kết nối. Thậm chí, bầu Đức còn là người hỗ trợ VFF trả lương cho ông Park. Mức lương khởi đầu mà ông Park nhận được khi đến Việt Nam là khoảng 20.000 USD/tháng.
Thế nhưng, trong bối cảnh mà các huấn luyện viên từ Miura, đến Nguyễn Hữu Thắng đều tại vị không quá 2 năm, ông Park cũng bị đặt trong sự hoài nghi. Những gì khiến người hâm mộ nhớ đến ông Park khi đọc bản tiểu sử là thông tin: "Từng làm trợ lý cho huấn luyện viên Guus Hiddink ở đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002".
Thậm chí, thành tích của ông Park khi làm việc ở các câu lạc bộ ở Hàn Quốc lại khá bết bát. Trước khi sang Việt Nam làm việc, ông Park đang dẫn dắt đội bóng ở giải hạng 3 Hàn Quốc. Thời điểm đó, Park Hang-seo đến Việt Nam trong tâm thế là một huấn luyện viên đã hết thời. Do đó, không nhiều người tin ông sẽ có được thành công. Một lãnh đạo VFF thời điểm đó, sau lễ ký kết hợp đồng với ông Park cũng đưa ra sự hoài nghi về chiến lược gia người Hàn Quốc.
Đầu tiên là hành trình cùng đội tuyển U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 Châu Á 2018. Ngay ở lễ nhậm chức, ông Park đã tuyên bố sẽ giúp U23 Việt Nam tạo kỳ tích. Thế nhưng, đó là phát ngôn ở thời điểm mà ai cũng nghĩ ông chỉ “nói cho vui”. Bởi U23 Việt Nam vừa thất bại ê chề tại SEA Games 2017 cũng hàng loạt những vấn đề lùm xùm ở thượng tầng VFF.
Sau đó, ông Park đã cùng U23 Việt Nam tạo ra cơn địa chấn ở Thường Châu với việc giành ngôi Á quân giải U23 Châu Á 2018. Đó là chiến tích mở ra một giai đoạn thành công. Sau đó ông giúp U23 Việt Nam tiếp tục giành hạng tư ASIAD 18. Ở cấp độ U22, ông Park đã thành công vang dội khi giành tấm huy chương vàng lịch sử tại SEA Games 2019.
Với đội tuyển Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo đã giành chức vô địch AFF Cup 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019. Đặc biệt, dấu ấn lớn nhất là lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Sau 4 năm nhìn lại, huấn luyện viên Park Hang-seo đang là người thành công nhất trong số các huấn luyện viên từng làm việc tại Việt Nam. Từ một người hết thời, ông trở thành một người bị áp lực bởi chính những thành công do mình tạo ra.
Điều này được thể hiện ở mỗi giải đấu, mỗi trận đấu mà tuyển Việt Nam tham dự. Người thành công và đi kèm áp lực phải chiến thắng. Và sự kỳ vọng lớn đang mang đến những ngày tháng khó khăn với huấn luyện viên Park Hang-seo.
Trong hành trình ở vòng loại World Cup 2022, ông Park cùng tuyển Việt Nam đã trải qua 4 trận thua liên tiếp. Điều này khiến ông Park trở thành tâm điểm của những sự chú ý. Thậm chí có những ý kiến phản biện bắt đầu được đưa ra. Câu hỏi đặt ra thời điểm này: Liệu ông Park đã đến giới hạn của thành công?
Thực tế, nếu đặt trong bối cảnh tuyển Việt Nam đang dự sân chơi tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 thì quá sớm để nói đến giới hạn đó. Vì xét về thực lực, chúng ta vẫn ở dưới tầm các đội hàng đầu châu lục. Tuy nhiên, xét trong từng trận đấu, từng cơ hội cụ thể của tuyển Việt Nam thì đúng là chúng ta đang thiếu đi một Park Hang-seo mới mẻ.
Sau AFF Cup 2020 và SEA Games 31 mới có thể đưa ra đánh giá thực tế về "giới hạn thành công" của ông Park một cách chính xác. Và nếu điều đó có xảy ra cũng là lẽ thường của bóng đá. Mong rằng, ông Park sẽ được chia sẻ với tất cả những gì đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Theo Laodong