Mới chỉ 11 tháng tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến Trịnh Công Luận không bao giờ còn có thể sử dụng đôi chân của mình cho một cuộc sống bình thường. Song, số phận khắc nghiệt ấy cũng không thể đánh gục được nghị lực phi thường, không thể dập tắt những khát vọng cháy bỏng trong anh.
Sinh năm 1972 tại Cà Mau, suốt tuổi thơ, Trịnh Công Luận đã không cho phép đôi chân tật nguyền ngăn cản mình tham gia những thú vui của các bạn cùng lứa cùng trang. Mình mẩy xước sát, mặt mũi lấm lem, anh chấp nhận tất cả, tìm mọi cách vượt không gian để vẫn có mặt trong những chuyến bắt ốc, mò cua, chơi đùa cùng những người bạn may mắn hơn. Ðó là điểm khởi đầu hun đúc một ý chí sắt đá mà sau này anh luôn thể hiện trong những cuộc thi đấu cũng như trong cuộc sống hiện thực.
Năm 1990, Trịnh Công Luận lên TP Hồ Chí Minh, thi đỗ và học Ðại học Mở. Thời gian rảnh rỗi, anh đi làm thêm và bắt đầu đến với thể thao (năm 1993), với suy nghĩ khởi điểm chỉ là để nâng cao sức khỏe. Thế rồi, anh cảm thấy những cuộc tranh tài tiếp thêm cho anh lòng tự tin, làm vơi đi những mặc cảm và giúp anh hòa nhập tốt hơn với xã hội.
Kể từ lần đầu dự giải thể thao người khuyết tật TP Hồ Chí Minh, Trịnh Công Luận không chỉ sưu tập được những bộ huy chương, những thành tích xuất sắc, những trải nghiệm hào hứng và thú vị... mà còn tìm thấy cho mình những cơ hội thay đổi cuộc sống. Trong nỗ lực tự khẳng định bản thân trên trường đấu, anh đã gặp những con người tốt bụng giúp đỡ anh lựa chọn hướng đi thích hợp trên đường đời, như một Việt kiều Ðức đã đưa anh tới nghề báo và nghề thiết kế mỹ thuật.
Hơn thế, Trịnh Công Luận còn tìm được 'một nửa' của đời mình: chị Nguyễn Thị Thêm, một người con gái từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. 'Yêu nhau suốt ba năm, niềm tin đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả'. Ðầu năm 2010, hai người đã chính thức thành vợ chồng, cùng nhau xây dựng gia đình.
'Ðời VÐV khuyết tật không có lương tháng' - Trịnh Công Luận thổ lộ. 'Nhưng tôi may mắn đạt thành tích cao. Năm 2007, với 140 triệu đồng tiền thưởng cho bốn HCV từ Tổng cục Thể dục Thể thao và UBND TP Hồ Chí Minh, tôi đã dành dụm mua được miếng đất nhỏ. Vợ chồng con cái sau này sẽ sum họp trên miếng đất ấy, với một ngôi nhà gạch đàng hoàng...'.
Trên những bánh xe lăn, Trịnh Công Luận đã vươn lên để vượt qua mọi rào cản cuộc đời. Anh đoạt ba HCV cho ba môn lao - tạ - đĩa tại Ðại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2006 (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh), phá kỷ lục Fespicgames châu Á - Thái Bình Dương môn đẩy tạ (9,37 m, do một VÐV Trung Quốc thiết lập từ năm 2002) với thành tích 9,6 m. Anh đã từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và đã từng vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Ba. Anh là một tấm gương mẫu mực cho tinh thần, nghị lực và ý chí của những người không may mắn. Hiện tại, anh đã sẵn sàng cùng Ðoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam chinh phục những vinh quang mới tại Ðại hội Thể thao châu Á (Asian Para Games 2010) tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc). Xin chúc cho Trịnh Công Luận vẫn sẽ còn tiếp tục bay cao.
theo nhandan.com.vn