Một trận thua vô cùng tiếc nuối, mà lẽ ra ĐT Việt Nam xứng đáng có 1 điểm đầu tay trước đối thủ xếp trên 20 bậc. Như đã hứa trước trận đấu nhằm cởi bỏ mọi áp lực cho các cầu thủ, HLV Park Hang- seo đã nhận sai sót về mình trong khâu thay người ở hàng phòng ngự, cũng là bảo vệ học trò trước những bình luận “cay cú”.
Hiệp 1 không bàn thắng và được chia ra làm 2 phần tương đối rõ rệt. Thời gian đầu trận ĐT Trung Quốc cầm bóng nhiều chơi ép sân nhưng không dồn dập, nhịp độ trận đấu chậm chứng tỏ sự thận trọng của HLV Li Tie, cũng nhằm hóa giải lối chơi phòng ngự phản công nhanh của ĐT Việt Nam. Khi mà tuyến giữa Việt Nam mạnh dạn cầm bóng, phối hợp đẹp mắt dần lấy lại sự cân bằng, đội hình di chuyển theo “khối” đã tạo nên một số đường lên bóng có nét. Nhưng vẫn rất thận trọng giữ đội hình ưu tiên cho khâu phòng ngự. Hiệp 1 không có bàn thắng nhưng đã giúp cho HLV đôi bên “bắt bài” để triển khai một số thay đổi chiến thuật. Khâu phòng ngự Việt Nam đã “ghìm chân” Trung Quốc trong hiệp 1 là kết quả đáng khen. Đó là lý do, trận đấu có tới 5 bàn thắng đều diễn ra trong hiệp 2 và 5 phút bù giờ.
Nếu kết quả hòa sẽ là công bằng, thể hiện đúng thực lực đôi bên, khi mà ĐT Trung Quốc tỏ rõ ưu thế của sức mạnh của thể lực, thể hình; nhưng yếu thế hơn ĐT Việt Nam trong kỹ thuật, khéo léo và sự phối hợp chiến thuật rõ nét, đẹp mắt. Ở một sân chơi quá sức như thế này, không nên đi vào những tiểu tiết, hay nặng về chỉ trích những sai sót, hãy để công việc này cho BHL và ĐT cùng làm việc chuyên môn, mà nhìn vào những điểm sáng để tạo thêm động lực, niềm tin cho những đôi chân trở nên thanh thoát hơn, tìm kiếm những kết quả tốt hơn trên chặng đường sắp tới. Trên tinh thần đó, NHM Việt Nam hẳn sẽ rất hài lòng màn trình diễn xuất sắc của hầu hết những cá nhân được thầy Park đưa vào sân.
Chúng ta đã thấy dáng dấp của “ông chủ” tuyến giữa của tương lai ĐT Việt Nam, một Hoàng Đức xuất sắc trên cả mong đợi, lối chơi bản lĩnh cho thấy tài năng trẻ sẽ còn tiến rất xa nếu được trui rèn, chinh chiến nhiều ở những sân chơi “vượt sức” thế này.
Điểm sáng quan trọng, chính là phong độ và những miếng đánh phối hợp của hàng công Việt Nam làm NHM xem “đã con mắt”. Tiến Linh là sát thủ cắm thực sự mỗi khi anh có cơ hội. Quang Hải buộc phải lùi sâu hỗ trợ, nhưng khi được phép dâng cao, áp sát khung thành đối phương thì thực sự trở thành “ngòi nổ” cực kỳ nguy hiểm. Pha phối hợp không chê vào đâu được giữa Công Phượng đẩy bóng vào cho Quang Hải và một đường chọc khe thần sầu cho Tiến Linh kết liễu, đó là miếng đánh phối hợp đẳng cấp cao.
Bàn thắng của Tấn Tài lại cho thấy sự hoàn hảo của kỹ thuật cá nhân khống chế bóng chân phải loại hậu vệ rồi tung cú sút chân trái “ngọt lịm”, ghi bàn rút ngắn tỷ số 1- 2, thắp lên niềm hy vọng. Nhưng trước đó, chính là đường chuyền thể hiện một nhãn quan chiến thuật và kỹ thuật rót bóng như đặt của Hoàng Đức. Bàn thắng của 2 tài năng trẻ và đến ngay lúc tưởng chừng không còn hy vọng, nó “sướng” và bùng nổ.
Khi mà 5 phút bù giờ sắp hết, với tỷ số 2- 2, hàng triệu NHM chuẩn bị đêm không ngủ vì cú lội ngược dòng ngoạn mục của những chiến binh áo đỏ. Nhưng… lại thua ở những giây cuối cùng của trận đấu. Đó là bóng đá.
Thua Trung Quốc 2- 3 trong một thế trận sòng phẳng, ngang ngửa và những điểm sáng tuyệt vời như thế, thầy trò HLV Park Hang- seo cần có những lời khen ngợi, động viên. Những sai sót của trận đấu, hãy để lại trên bàn họp sơ đồ chiến thuật của BHL.
NGỌC TRẢNG