Tài năng trên sân bóng, giỏi giang trên thương trường và giờ đây quyết định thử sức sang lĩnh vực văn chương, Maria Sharapova kể về câu chuyện đời mình, những điều chưa bao giờ được chia sẻ với công chúng qua tự truyện "Unstoppable: My life so far"
Quyển tự truyện "Cuộc đời không dừng bước" dành phần mở đầu kể về quãng thời gian tệ hại nhất trong sự nghiệp khi cô bị cấm thi đấu 15 tháng do vi phạm quy định về doping. 19 chương còn lại phác họa cuộc đời và sự nghiệp đầy thăng trầm của Sharapova, bao gồm cả những thiên diễm tình của "nữ hoàng quần vợt" Nga.
Bị gài bẫy vụ doping?
Trong chương mở đầu, Sharapova kể: "Từ cuối mùa giải 2015, tôi đã mường tượng đến việc sẽ giải nghệ. Hơn ai hết, tôi hiểu chặng cuối sự nghiệp sắp đến với mình, một cô gái chơi quần vợt chuẩn bị đón tuổi 29. Tôi muốn góp mặt một cách hoàn hảo ở Úc, Pháp, thi đấu ra trò ở Wimbledon, Olympic Rio và cả Mỹ mở rộng 2016 đồng thời sẽ hoàn tất quyển tự truyện được ấp ủ từ vài năm nay, kể về mình trước khi nói lời chia tay.
Câu chuyện có lẽ được bắt đầu từ khi Giải Úc mở rộng 2016 vừa khép lại và một nữ y tá đến gặp, yêu cầu tôi lấy nước tiểu làm mẫu thử doping. Công việc này tôi đã làm cả chục năm và chẳng có gì đặc biệt để tôi phải lưu tâm vì phía trước là những trận đấu, giải đấu đang xếp hàng đợi tôi cùng các đồng nghiệp.
Năm 2015, Serena thắng tôi trong trận chung kết ở Melbourne. Lần này, cô ấy đánh bại tôi ngay từ tứ kết giải đấu trên đất Úc. Thua trận thì chẳng bao giờ vui rồi nhưng tôi lại rất lạc quan khi nghĩ về một mùa giải cuối trọn vẹn ở phía trước. Chỉ có điều, như một câu thành ngữ: "Người tính không bằng trời tính!"
Vài tuần lễ sau đó, khi quay trở về Los Angeles, tôi nhận được một email từ Liên đoàn Quần vợt quốc tế ( ITF) và đọc xong, tôi thực sự hốt hoảng. Mẫu xét nghiệm nước tiểu của tôi ở Giải Úc mở rộng cho phản ứng dương tính và tôi phải đọc đi đọc lại bức email nhiều lần để bảo đảm mình không nhầm. Chất cấm được nêu tên là Meldonium, một loại hóa dược vừa được bổ sung vào danh mục các chất cấm của Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) từ ngày 1-1-2016. Với kết quả này, chẳng lẽ tôi tự dưng trở thành kẻ phạm tội, theo đó là hệ lụy khó tránh khỏi sẽ bị cấm thi đấu ngay tức khắc?
Meldonium là gì cơ chứ? Tra cứu trên Google, tôi tá hỏa khi biết đó là tên gọi khác của Mildronate, loại thuốc mà tôi đã sử dụng suốt 10 năm trước đó. Năm 2007, không lâu sau khi giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên ở Wimbledon, cha tôi đưa tôi đến Trung tâm Y sinh Moscow và bác sĩ Anatoly Skalny chẩn đoán tôi mắc chứng rối loạn đường hô hấp. Ông kê toa 18 loại thuốc và chất bổ trợ, sau lên đến 30 loại vào tháng 3-2010, tất nhiên, luôn có Mildronate.
Trong vòng 7 năm, tôi có chứng từ, văn bản xác nhận tất cả mọi loại dược chất mà tôi sử dụng, bao gồm cả Mildronate. Tất cả đều hợp pháp và được phép. Mildronate được bán công khai ở Nga và các quốc gia Đông Âu, chủ trị kháng viêm xương khớp mà ngay cả bà nội tôi cũng hay dùng, không cần đến toa bác sĩ. Làm sao tôi có thể nghĩ loại thuốc đó có chứa chất kích thích, sử dụng để tăng cường hiệu suất thi đấu của các VĐV?
Đầu tháng 1-2016, Meldonium được đưa vào danh mục chất cấm và ITF gửi văn bản bổ sung này đến các tay vợt. Nó có thể được xem bằng cách nhấp vào hàng loạt đường dẫn trong một email. Tôi chưa bao giờ theo dõi những đường dẫn này và cũng không nhờ đội ngũ trợ lý của mình làm giúp điều đó.
ITF đã không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn đặc biệt nào về nội dung thông báo cùng với những điều bổ sung liên quan đến một loại dược chất đã được dùng hợp pháp bởi hàng triệu người trên thế giới. Đó là sai lầm của ITF và tôi cảm giác như bị gài bẫy, nói cách khác, bị lừa gạt."
Chiến đấu giữ thanh danh
Sharapova viết tiếp: "Tôi cũng nhận ra sai lầm của bản thân và tin rằng sự cẩu thả mà mình phạm phải sẽ khiến mọi dự định đổ vỡ. Tôi nhanh chóng nhận thấy, tất cả những gì phải làm là biện minh cho bản thân. Meldonium đã bị cấm trong 4 tuần lễ đến thời điểm đó và tôi đã vô tình vi phạm quy định, như đang lao đầu vào một bức tường gạch. Tôi tự nhủ sẽ phải chiến đấu để giữ gìn thanh danh của mình bởi nếu thất bại, tôi có thể bị cấm thi đấu đến 4 năm, kết thúc tệ hại nhất với sự nghiệp một VĐV chuyên nghiệp."
Bìa cuốn tự truyện của Sharapova.
Không chỉ ngạc nhiên về quyết định giải nghệ ban đầu của Sharapova, cách cô suy nghĩ, phản ứng và trải nghiệm đầy bất ngờ về án phạt mà ITF và WADA đã sử dụng như để "triệt hạ cô trước bàn dân thiên hạ" cũng khiến người hâm mộ phải đặc biệt chú ý, như đã chứng kiến các đòn đánh trực diện vào làng thể thao Nga mang theo những toan tính sâu xa về mặt chính trị.
Sharapova đã dũng cảm đối diện báo chí, thẳng thắn nhìn nhận sai lầm của mình trong cuộc họp báo tại Los Angeles tháng 3-2016. Báo USA Today đánh giá Sharapova đã xử lý vụ xì-căng-đan này một cách rất đàng hoàng, thông minh.
Masha nhận án phạt cấm thi đấu 2 năm, sau được Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) giảm xuống còn 15 tháng. Ở tuổi 30 và đã no nê danh hiệu, việc trở lại thi đấu không hề dễ dàng nhưng tay vợt nữ người Nga vẫn gạt bỏ mọi lời đàm tiếu sau lưng, mạnh dạn bước ra trước công chúng hâm mộ với tất cả sự thanh thản.
Theo tinthethao.com.vn