Khoảng thời gian đầu tại Mỹ thật khó khăn nhưng đã giúp định hình cá tính của tôi. Tôi không bao giờ than thở hay đập vợt khi thi đấu, cũng chẳng đe nẹt, dọa dẫm trọng tài.
Nhờ người phiên dịch của Học viện Nick Bollettieri, cha con tôi thuê được căn hộ nhỏ của một phụ nữ Nga trung niên, chỉ cách đó vài phút chạy xe.
Không có phút giây vô nghĩa
Mất 250 USD/tháng, chúng tôi được sử dụng thêm phòng tắm, nhà bếp và cả gian phòng khách nhỏ có sẵn tivi. Tôi thích nhất điều này vì nhờ đó có thể học thêm tiếng Anh từ những bộ phim yêu thích như "Khủng long Barney" hay "Cậu bé karate"... bất kể phải cùng cha ngủ trên chiếc giường đôi kê ngay trong phòng khách!
Chúng tôi dậy từ mỗi buổi sớm tinh mơ, chuẩn bị quần áo, dùng điểm tâm nhanh trong bóng tối và bàn về những việc cần làm trong ngày. Rồi cha con tôi rảo bước đến học viện, đúng 6 giờ 30 phút vào lớp. Triết lý của Nick là không có bất cứ phút nghỉ ngơi vô nghĩa nào, không đánh bóng thì đi nhặt bóng hoặc vừa xếp hàng vừa khởi động chân, chờ đến lượt ra sân trở lại.
Bộ sưu tập thành tích của tay vợt nhí Sharapova. Ảnh: Tennis.com.
Tôi được xếp vào một nhóm khoảng 6-8 cô bé đồng trang lứa và cùng tập với nhau mỗi buổi sáng. Vài người rất giỏi nhưng không phải ai cũng thích quần vợt dù cha mẹ họ tốn rất nhiều tiền để đưa con mình đến đây. Sau giờ nghỉ trưa, tất cả tụ tập lại và lại luyện tập bóng đến chiều. Nick đi khắp các sân để quan sát học trò và dành nhiều thời gian nhất cho lớp "các ngôi sao". Đây là nhóm các tay vợt giỏi, trông như những ngôi sao nhạc rock thời thượng, được thoải mái tập luyện, vui đùa, kể cả nhìn các lớp khác bằng cặp mắt kênh kiệu pha lẫn sự coi thường. Todd Reid, Jelena Jankovic hay Horia Tecau là số ít trong nhóm này.
Maria Sharapova: La hét trên sân, "câm nín" trên giường
Tự truyện Sharapova kỳ 3: Chân trời mới ở Florida
Tự truyện Sharapova: Tuổi thơ không yên tĩnh
Anna Kournikova là nhân vật đặc biệt của học viện và tôi thường tự so sánh mình với cô ấy, từ chỗ cùng là người Nga, cùng có mái tóc vàng và chút tài năng thiên phú về quần vợt. Anna thường cho tôi quần áo, giày dép cũ của cô ấy, những bộ đồ thời trang bó sát hoa văn da thú không mấy làm tôi bận tâm, miễn có để dùng.
Năm tháng cô đơn nhất của cha
Cha con tôi luôn cố gắng hòa nhập vào đời sống ở Bradenton dù chi phí khá đắt đỏ, mọi khoản chi đều "đe dọa" số tiền dành dụm còm cõi lâu nay. Cha học tiếng Anh khá nhanh, chủ yếu để kiếm việc và làm bất cứ việc gì. Ông gia nhập một nhóm thợ xây, chuyên sửa sang sân vườn, cắt cỏ và nhiều việc không tên khác. Chắc chắn đó phải là những năm tháng cô đơn nhất nhưng ông biết cách vượt qua, vừa đi làm vừa chăm sóc sự nghiệp của tôi, làm tốt vai trò người cha và nhất là siêng năng... tập quần vợt!
Cha cũng thường chải đầu hoặc tự tay cắt tóc cho tôi. Tôi có cảm thấy cô đơn, có buồn không, tôi cũng chẳng biết nữa. Đó là cuộc đời của tôi và tôi cũng chẳng có cuộc sống nào khác để so sánh. Tôi nói chuyện với mẹ một tuần một lần qua điện thoại, thường rất ngắn bởi cước phí khá đắt đỏ. Bà hay hỏi tôi đang làm gì và luôn nói một câu: "Mẹ yêu con". Bà thường xuyên nhắc nhở tôi chuyện học hành, không được quên mình là ai, từ đâu đến và làm gì trên xứ người.
Chuyện học tập của tôi tiến bộ đáng kể nhờ sự chuyên cần và những khoảng thời gian miệt mài bên sân bóng. Những cú đánh của tôi mạnh mẽ và khó lường hơn. Tôi được tham gia nhiều giải đấu trong vùng và xếp hạng 5 toàn bang Florida lứa tuổi U10. Tôi bắt đầu gào thét khi đánh bóng vì nghĩ điều này sẽ giúp mình tự tin hơn.
Tôi quan niệm quần vợt chuyên nghiệp không cần tình bạn vì có thể khiến mình mềm yếu đi. Bạn bè ư, nếu muốn, hãy để đến khi giải nghệ, đủ chín chắn để kết giao với nhau. Ông thầy cũ Thomas Hogstedt sau này kể rằng từng khuyên các đối thủ của tôi "đừng nhìn vào mắt Maria trước, trong và sau trận đấu" vì "khủng khiếp lắm, chất ngất quyết tâm vượt qua bất cứ đối thủ nào."
Tiếng sét ngang tay
Bất chợt một ngày, tôi nhận được thông báo phải rời học viện. Với cha tôi, đấy như tiếng sét ngang tai. Tôi chỉ mới đến có vài tháng thôi, tiến bộ rất nhiều nhưng tại sao lại bị đuổi học? Không quá khó để nhìn ra nguyên nhân: Tôi đánh bại những đối thủ lớn hơn từ 4-5 tuổi và cha mẹ họ rõ ràng không hài lòng về điều này... Cha tôi buồn bã khi nghĩ đến khả năng phải quay về Sochi nhưng rồi một người giàu cá tính, tự tin như ông quyết không đầu hàng số phận. Ông trò chuyện rất lâu với HLV Nick Bollettieri và sau cùng, ông giới thiệu tôi đến học viện lân cận có tên El Conquistador do một học trò cũ là Sekou Bangoura sáng lập.
Sekou đồng ý cho tôi vào trường với điều kiện phải thử sức ở một vài giải đấu trong vùng để ông ta kiểm chứng năng lực. Mất một ngày ròng rã thi đấu và chiến thắng, tôi được đồng ý theo học nhưng khi cha tôi thú nhận không thể trả bất cứ khoản phí nào, Sekou như trở thành một con người khác. Ông ta vặn hỏi cha tôi có biết chơi quần vợt không, biết đánh đỡ bóng cùng các động tác căn bản hay không. Sekou đề nghị cha làm việc cho ông ta với tư cách người hỗ trợ đánh bóng cho học viên trước mỗi buổi tập cũng như làm bất cứ việc gì tại học viện theo yêu cầu, đổi lại, tôi sẽ được vào học miễn phí như một dạng học bổng đặc biệt.
Nỗi khổ người tha hương
Sekou giữ hết mọi giấy tờ, hộ chiếu của cha tôi. Tôi hiểu, chừng nào còn cầm được những thứ quý giá ấy, gã còn kiểm soát được cha, đồng nghĩa kiểm soát cả tôi. Gian nan, vất vả từ những ngày đầu nhưng có lẽ khi đặt chân đến El Conquistador, chúng tôi mới thực sự hiểu hết nỗi khổ của những người tha hương.
Theo tinthethao.com.vn