uy nhiên, mọi toan tính và ước mơ của ông thầy người Hàn Quốc dần lụi tàn sau ba trận toàn thua. Nuối tiếc và buồn bã cũng xuất hiện ở đội tuyển Việt Nam lẫn giới hâm mộ trong suốt 270 phút ấy, các cầu thủ có những thời điểm đá như lên đồng nhưng may mắn không còn đồng hành nữa.
Rõ ràng đẳng cấp luôn là yếu tố quyết định ở sân chơi lớn và bóng đá Việt Nam đang thua kém nhiều các đối thủ còn lại. Ông Park đang phải gánh chịu áp lực thành tích rất lớn. Dù “ông chủ” VFF không đặt ra mục tiêu cụ thể nhưng vẫn không giấu tầm nhìn chiến lược phải lọt vào top 10 đội bóng hàng đầu châu Á.
Ông Park cần VFF dũng cảm chia sẻ với ông về việc không thành vấn đề chuyện thắng thua ở vòng loại cuối cúp thế giới, khiến cho đội tuyển Việt Nam lơ lửng và rất dễ ngộ nhận về sức mạnh thật của mình. Hoàn cảnh của thầy trò ông Park gần giống với tình trạng của bóng đá Thái Lan hồi bốn năm trước no nê với những ngôi vô địch Đông Nam Á cứ ngỡ đã lên kèo trên nên không chấp nhận mấy trận vòng loại World Cup thua te tua. Hậu quả là HLV Kiatisak bị ép phải từ chức và đến nay đội tuyển Thái Lan vẫn chưa tìm lại chính mình.
Sự kỳ vọng và sức ép quá lớn từ VFF lẫn người yêu bóng đá khiến ông Park cùng các học trò phạm nhiều sai số trong ba trận qua. Chính ông thầy người Hàn đã phải tự nhận sai lầm ở trận thua đau đớn Trung Quốc 2-3 ở phút bù giờ cuối cùng và day dứt với câu hỏi “giá như”. Giới chuyên môn thì nhìn nhận vì quá mong mỏi vào những cuộc lật đổ lớn mà ông Park có những hành xử bảo thủ trong cách chọn con người và lối chơi cũ mòn, không khó cho đối thủ bắt bài.
Thua một đội bóng lớn hơn mình trong thế trận sòng phẳng có thể chia sẻ và thông cảm do chưa gặp may, còn thua ba trận với những sai lầm gần giống nhau thì rất khó mà tiêu hóa.
Hy vọng HLV Park Hang-seo đã nhìn ra những tử huyệt của mình và các học trò để giúp họ chơi tốt hơn, trước mắt là trận làm khách đầy khó khăn ở Oman vào ngày 12-10.