Bài phân tích của chuyên gia F1 James Allen lý giải việc Vettel, dù chỉ xuất phát thứ tám, vẫn leo lên vị trí thứ ba trước khi tay trắng do pha nổ lốp ở vòng áp chót trên đường đua Spa-Francorchamps.
Chiến thuật của các đội đua là chủ đề chính tại Grand Prix Bỉ năm nay, tiêu biểu là việc Ferrari và Vettel đã cố gắng theo đuổi chiến thuật 1 pit trước khi nổ lốp tại vòng 42. Trong khi đội đua Italy đổ lỗi cho chất lượng của lốp xe Pirelli, thì nhà sản xuất này lại cho rằng Ferrari đã không tính đến độ hao mòn lốp quá lớn tại Spa-Francorchamps.
Thất bại tại Spa-Francochamps gần như kết liễu hy vọng cạnh tranh ngôi vô địch F1 của Vettel và Ferrari ở mùa giải này. Ảnh: AFP.
Dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau làm sáng tỏ một cách chính xác nguyên nhân khiến Ferrari lựa chọn chiến thuật 1 pit và liệu họ có thể chuyển đổi chiến thuật để đảm bảo an toàn hơn cho bộ lốp mà vẫn giành được vị trí thứ ba.
Tình hình trước cuộc đua chiều Chủ nhật. Trước khi cuộc đua chính thức diễn ra vào chiều Chủ nhật, các đội đua đều không có đủ dữ liệu để hiểu rõ về khả năng vận hành và hoạt động của lốp xe tại Spa-Francorchamps. Buổi chạy thử chiều thứ Sáu vốn được các đội sử dụng để thử nghiệm và kiểm tra khả năng vận hành trên cự ly dài trong điều kiện tương tự cuộc đua chiều Chủ nhật. Nhưng buổi đua thử đó đã bị gián đoạn hai lần do cờ đỏ và tai nạn xe.
Với lượng dữ liệu hạn chế như vậy, không có đội đua nào có thể lường trước đầy đủ về tuổi thọ mà lốp mềm và lốp trung bình có thể đạt được trong cuộc đua chiều Chủ nhật, cũng như sự cân bằng giữa độ hào mòn và thành tích chạy.
Về tổng thể các đội đều tính toán chiến thuật 2 pit là chiến thuật sử dụng lốp phù hợp nhất, một số đội đua khác có mức tiêu hao lốp lớn hơn thì dự kiến chiến thuật 3 pit. Không ai dám chuẩn bị cho chiến thuật 1 pit cho chặng đua kéo dài 44 vòng (mỗi vòng dài 7km) tại Spa-Francorchamps.
Lựa chọn của Ferrari trong cuộc đọ sức giữa Vettel với Grosjean. Sau vòng đua phân hạng tồi tệ vào chiều thứ Bảy và chỉ có thể giành quyền xuất phát thứ tám, Vettel bất ngờ leo lên thứ năm tại vòng 2 nhờ pha xuất phát ấn tượng trước đó. Cục diện cuộc đua dần tươi sáng hơn cho tay đua người Đức, khi anh bắt đầu nhận thấy có thể cạnh tranh một vị trí trong top ba và Ferrari nhận diện đối thủ chính của Vettel sẽ là Romain Grosjean (Lotus) người đã vượt qua Valtteri Bottas (Williams) tại vòng 9 nhờ chủ động vào thay lốp sớm.
Để đối phó, Ferrari quyết định cho Vettel vào thay lốp muộn hơn hẳn tại vòng 14 và sẽ chuyển sang sử dụng lốp trung bình cho giai đoạn tiếp theo. Động thái này là để tận dụng ưu thế có bộ lốp mới hơn năm vòng nhằm đọ sức đối thủ ở giai đoạn cuối cuộc đua. Kế hoạch của Ferrari sẽ là chuyển sang dùng lốp mềm ở cuối cuộc đua để tấn công Grosjean tại những vòng cuối cùng.
Một yếu tố có thể ảnh hưởng tới kế hoạch của Ferrari và Vettel đó là nếu xe an toàn hoặc xe an toàn ảo xuất hiện vào khoảng vòng 19-23 thì tay đua người Đức sẽ bị thiệt hại khi các đối thủ có thể tận dụng thời cơ đó để vào pit thay sang lốp trung bình để duy trì cho tới cuối cuộc đua.
Trên thực tế, cơn ác mộng đã trở thành hiện thực khi chiếc RB11 của Daniel Ricciardo (Red Bull) chết máy trên đoạn đường thẳng chính đã làm xe an toàn ảo được triển khai tại vòng 21. Grosjean, Perez và Raikkonen đều đã tranh thủ vào pit ở thời điểm này và giảm được một nửa thiệt hại so với vào pit ở thời điểm bình thường. Thông thường, tại Spa-Francorchamps, bạn sẽ mất thêm 18 giây so với đối thủ nếu vào pit thay lốp. Tuy nhiên, khi có mặt xe an toàn ảo bạn sẽ chỉ mất có 10 giây so với đối thủ bởi vì các xe đều phải giảm tốc độ trên đường đua khi có xe an toàn ảo.
Vì thế, Vettel gặp phải một rắc rối lớn khi các xe vào thay lốp khi có xe an toàn ảo đều chạy phía sau tay đua người Đức với khoảng cách nhỏ hơn 18 giây. Nếu tay đua số 1 của Ferrari vào pit ở cuối cuộc đua, thì dù có lợi thế nhờ bộ lốp mới hơn, anh sẽ phải vượt qua rất nhiều xe phía trước. Đó là một rủi ro lớn với Vettel.
Khi xe an toàn ảo được triển khai, Vettel mới chỉ thay lốp được bảy vòng vì thế anh chỉ có một lựa chọn duy nhất là không vào thay lốp ở thời điểm đó. Nếu đi theo Grosjean vào thay lốp, rõ ràng Vettel sẽ không đủ sức vượt qua đối thủ ở cuối cuộc đua nữa do khoảng cách là quá lớn. Cuối cùng, sau khi cân nhắc Ferrari đành không gọi Vettel vào thay lốp lúc đó. Về mặt toán học thì do xe an toàn ảo xuất hiện, nên gần như chắc chắn là tay đua người Đức sẽ chỉ có thành tích tốt nhất là vị trí thứ tư trừ khi Grosjean gặp phải một sự cố bất ngờ.
Tại Spa-Francorchamps, mỗi vòng các tay đua sẽ bị tiêu hao thành tích tầm 0,18 giây mỗi vòng. Nếu Vettel vào pit ở vòng 35 như lý thuyết, anh sẽ chỉ có lợi thế lốp mới hơn 8 vòng so với Daniel Kvyat (Red Bull), người cuối cùng về đích ở vị trí thứ tư. Nếu vậy, tay đua người Đức sẽ chỉ có lợi thế thêm hơn một giây so với đối thủ ,cộng thêm một chút từ DRS tại quãng đường thẳng. Ngần đó là không đủ để Vettel vượt qua đối thủ, vì thế quyết định không vào thay lốp lần hai của Ferrari là hợp lý.
Lựa chọn của Ferrari giúp Vettel đứng thứ ba cho tới những vòng đua cuối cùng, đội đua Italy vẫn tiếp tục nghiên cứu làm sao để tay đua của mình duy trì vị trí này cho tới khi kết thúc. Ferrari cũng đã định gọi Vettel vào thay lốp, vì suy cho cùng thì vị trí thứ tư cùng 12 điểm không phải là tệ khi họ chỉ xuất phát thứ tám.
lop-7608-1440544991-1416-1440723256.jpg
BỊ nổ lốp ở vòng áp chót, Vettel từ chỗ có hy vọng cán đích thứ ba, trở thành tay trắng. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, vị trí thứ ba đã có ma lực hấp dẫn Ferrari. Đội đua Italy quyết định mạo hiểm để Vettel không vào thay lốp. Họ đã gặp vận đen với xe an toàn ảo ở vòng 21 và hy vọng sẽ được bù đắp bằng vận may ở giai đoạn cuối. Vẫn có khả năng sẽ có thêm một lần xuất hiện của xe an toàn ở những vòng cuối, hay là Grosjean bị trục trắc. Vì thế, Ferrari cố gắng giành được vị trí thứ ba.
Nếu vậy, chiếc SF15-T của Vettel sẽ phải chạy tới 30 vòng với bộ lốp trung bình. Trong suốt chặng đua, không ai dám chắc họ có thể làm được điều này. Trước chặng đua, Pirelli khẳng định lốp trung bình có thể hoạt động tới 40 vòng đua, nhưng khi đó họ không hề có dữ liệu về điều kiện thực tế của đường đua Spa-Francorchamps năm nay.
Cuối cùng bánh sau bên phải của chiếc SF15-T đã bị nổ đúng ở vòng áp chót. Lúc đó, chiếc xe của Ferrari vừa mới văng ra lề tại khu vực giữa Turn 14 và góc cua Eau Rouge. Có lẽ một vết cắt đã khía vào khu vực lốp đã bị mòn và giãn ra. Dù gì thì sau một thời gian dài cố gắng như vậy thì kết thúc nên là giảm tốc độ thay vì nổ lốp bất thình lình như vậy. Kết cục đó có lẽ là hợp lý hơn, cho sự cố gắng của Ferrari.
Theo vnexpress.net