Giai đoạn đầu của Vĩnh Xuân, luyện tập theo nguyên lý của tứ trụ: ảnh hưởng của Thiếu Lâm (Phật Gia). Nhưng sau này lại phát triển theo đồ trận âm dương bát quái, ảnh hưởng Đạo Gia. Có thể nói Vĩnh Xuân là sự kết hợp hài hoà giữa Phật Gia và Đạo Gia, tính chiến đấu rất thực dụng và đạt hiệu quả cao. Khi gặp một vấn đề (một chiêu thức chẳng hạn), Vĩnh Xuân thường sử dụng những chiêu thức ngắn gọn, tiết kiệm sức để hoá giải, tránh đối lực : quãng đường ngắn nhất, sự bất ngờ, lấy điểm mạnh nhất của mình tấn công vào chỗ yếu nhất của đối phương. Chính vì vậy mà cách hành tiến: đồ trận của Vĩnh Xuân đa số là những góc vuông gẫy góc, tương ứng với các cùi trỏ, gối trong bộ Bàng thủ, Phục thủ. Và những đường quyền ngắn, sắc gọn tương ứng với những góc nhọn của hình tam giác (Bàng thủ, Than thủ). Ngoài ra còn có những bộ hành tiến của hình tròn, bóp méo (hình boombê ) gần giống Thái Cực, đặc biệt là bộ Ngũ hình trong Vĩnh Xuân của Việt Nam.

Đồ trận và hành tiến của Thái Cực sẽ dài rộng hơn Vĩnh Xuân một chút dựa trên nền tảng âm dương. Bát quái gồm những hình tròn; bóp méo (boombê) dẫn dắt đưa đối phương vào những vùng xoắn, liên tiếp hết nút này lại đến nút khác hoá giải gần như tuyệt đối lực của đối phương rồi mới phản công lại. Nên đối phương ra một lực bao nhiêu Niutơn thì sẽ nhận lại đúng như vậy và thậm chí còn hơn thế nữa (đúng với triết lý của Đạo Gia).
Trong Vĩnh Xuân và Thái Cực đều có bộ Bát pháp (Niêm thủ của Vĩnh Xuân) hay (Thôi thủ của Thái Cực) là nền tảng cho mọi căn bản là chìa khoá cho mọi vấn đề.
Tác dụng của Vĩnh Xuân
Nếu tập luyện Niêm thủ, Thôi thủ tốt sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho phần dưỡng sinh của cơ thể, cải thiện toàn bộ hệ thống cơ bản công, mang lại hiệu quả rõ rệt: Cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sáng suốt. Đạt tới sự đồng bộ cả thể xác và tinh thần. Đó gọi là xuất chiêu bằng ý.
Trong tự vệ, cận chiến hệ thống Niêm thủ, Thôi thủ cũng rất quan trọng: mọi thứ sẽ linh hoạt hơn, sử dụng cương nhu hợp lý đạt tới độ nhu nhuyễn (gọi là Linh giác).
Đặc biệt là phần dưỡng sinh bao gồm: Niêm thủ, Thôi thủ của Vĩnh Xuân và Thái Cực sẽ phát triển cho ta phần nội lực: có thể phát lực trong một khoảng cách rất ngắn, thậm chí áp sát đối thủ nhưng vẫn đạt hiệu quả cao gọi là lực Thốn Kình hơn nữa là lực âm. Sự kết hợp giữa tinh thần, thể xác và vũ trụ vượt xa khỏi mọi ràng buộc của cơ bắp…
Đây là tất cả những điều tôi đã trải nghiệm và giác ngộ với những năm tháng ở trong nước, HongKong, Đài Loan.
Nhiều thế hệ võ sinh lớn tuổi luyện tập đã ổn định được huyết áp, có người khỏi được bệnh Gut. Mỗi người đều thu nhặt được những kết quả cho riêng mình.
Các bạn trẻ thì không nên suy nghĩ Vĩnh Xuân hơn, Thái Cực hơn hay những môn phái khác hơn mà hãy lắng nghe…xem cơ địa của mình phù hợp và đam mê với môn nào.
Theo sanchoi.com.vn