1. Cao Ngọc Phương Trinh và người thày
Khi mới chập chững bước vào làng võ ở quận 4 năm 1982, cô bé 10 tuổi Phương Trinh được thày Vương Viết Thông rất cưng. Thày thường chở Trinh đi xem thi đấu ở các nơi. Không chỉ thế, sau mỗi buổi tập, Trinh và các bạn còn được thày “khao” nước mía.
Lớn hơn một chút, Phương Trinh được tập judo với thày Nguyễn Văn Tình. Thấy cô học trò bé bỏng ốm tong teo, chính thày đã đi bốc thuốc cho Phương Trinh uống. Nhờ đó, Trinh mới ăn uống được và có đủ sức để tập luyện. Thương trò là vậy, nhưng khi lên lớp thày rất nghiêm. Trinh được giao làm lớp trưởng với nhiệm vụ kiểm tra xem các bạn có cắn ngắn móng tay, móng chân không, quần áo có sạch sẽ không. Nếu thày phát hiện Trinh bao che các bạn, cô bé sẽ phải chịu phạt. Đích thân thày và các sư huynh “đánh té” Trinh từ 10 đến 20 lần.

Năm 1990, lần đầu Trinh phải tập huấn xa nhà để chuẩn bị cho ASIAD Bắc Kinh. Ngày nào ở Nhổn cũng chỉ có 3 thày trò tập với nhau (thày Nguyễn Hữu Huy với Phương Trinh và Quốc Trung). Thiếu người đối diện nên chính thày phải làm “quân xanh” chịu đòn cho các học trò. Đến Atlanta 96, cũng chỉ có hai thày trò đi dự. Khi ấy, dù đã lớn tuổi, thày Huy vẫn sẵn sàng chịu đòn cho Trinh tập.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Trinh là tại ASIAD Hiroshima 94, Trinh thất bại trong trận tranh HC đồng trước 1 VĐV Đài Loan. Ngồi ngoài nhà thi đấu, thầy Huy liên tục hút thuốc, đăm chiêu. Dẫu rất buồn, nhưng thấy Trinh khóc nức nở, thày còn an ủi: “Thôi không sao đâu, không có gì hết. Mình làm lại, cố gắng tập tiếp”. Nghe câu đó, Trinh càng khóc lớn hơn vì cảm thấy mình đã phụ lòng tin của thày.
Trong hành trang của Trinh còn lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp về các thày cô trường PTTH Nguyễn Trãi, nhất là cô chủ nhiệm lớp 11. Cô không chỉ dạy văn hoá mà còn dạy Trinh cách làm người, cách đối nhân xử thế. Cô giống như một người bạn lớn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ tâm sự, luôn ủng hộ và động viên Trinh trong việc tập luyện.
Nếu không có những tấm lòng thương yêu học trò đó của các thày cô, chưa chắc đã có một Cao Ngọc Phương Trinh như ngày nay. Giờ đây, khi đã là một HLV, Trinh càng hiểu và thương thày cô nhiều hơn: “Mình phải thực sự thương yêu, đồng thời tôn trọng học trò, thì các em mới quý trọng và nghe lời dạy của mình”.
Theo sanchoi.vn