Trên thực tế, kết quả chưa như ý này lại là bài học tốt với "chi phí" hợp lý trong bối cảnh AFF Cup vẫn chưa bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Có những lý do rõ ràng để người hâm mộ và tuyển Việt Nam không nên buồn sau kết quả này.
Ở các giải đấu trong quá khứ, lối chơi phòng ngự phản công của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo luôn để lại nhiều lấn cấn trong suy nghĩ của giới mộ điệu. Chúng ta có thực sự là vua của khu vực khi đôi lúc vẫn phải phòng ngự trong những trận chiến với Thái Lan, Malaysia, Philippines hay chính Indonesia?
Những chiến thắng của tuyển Việt Nam ngày ấy ghi đậm dấu ấn của sự lọc lõi khi chúng ta chờ đối thủ mắc sai lầm khi dâng cao và trừng phạt bằng các nhát kiếm sắc lẹm giấu trong ống tay áo.
Câu chuyện giờ đã khác. Trong trận chiến tối 15/12, tuyển Việt Nam không cho Indonesia chơi bóng theo đúng nghĩa đen. Đối thủ kiểm soát bóng chưa tới 31%, chỉ tung ra 219 đường chuyền trong cả trận với tỷ lệ chính xác 73% cùng đầu ra vỏn vẹn 1 cú đá nhưng không trúng đích. Thủ thành Trần Nguyên Mạnh của tuyển Việt Nam gần như chơi không trong cả trận.
Indonesia không chơi phòng ngự phản công. Đội bóng của HLV Shin Tae-yong chỉ đơn giản tử thủ, dựng xe bus trước khung thành.
Ở chiều ngược lại, thầy trò HLV Park kiểm soát bóng gần 69%, chuyền bóng nhiều gần gấp 3 đối thủ (585 đường chuyền) với tỷ lệ chính xác 88%. Chúng ta tung ra 21 cú đá và 1 đi trúng đích.
Hình ảnh quen thuộc trong cả trận là bóng được luân chuyển qua lại bên phần sân Indonesia, đội bạn lao vào xoạc bóng ác ý hoặc phá không mục đích ra biên để tiếp tục phòng ngự.
Đâu đó sẽ có phàn nàn về "đầu ra" của quá trình này: Kiểm soát bóng nhiều nhưng không ghi bàn thì để làm gì? Quan điểm ấy không sai. Nhưng khống chế đối thủ không lên được bóng và tử thủ ở phần sân nhà suốt cả trận cũng là việc chẳng hề đơn giản.
Không đội bóng yếu nào, ở mọi cấp độ của bóng đá thế giới, có khả năng đẩy lùi đối thủ về phần sân nhà, chơi bóng với sự chủ động cùng nhịp độ không suy giảm cho đến những giây cuối cùng như Việt Nam đã làm trước Indonesia.
Vị thế của chúng ta ở cấp độ khu vực đã thay đổi. Tuyển Việt Nam không cần chờ đối thủ mắc sai lầm để tấn công. Giờ chúng ta áp đặt thế trận, dồn đối thủ vào góc võ đài, tấn công liên tục đến khi hạ knock-out.
Chuyên môn hóa "vị thế mới" này ra hành động thì có thể nói như sau: tuyển Việt Nam đã giã từ khối phòng ngự low-block và mid-block kiểu cổ điển để chuyển sang phòng ngự high-block hiện đại và pressing tầm cao.
Xuyên suốt lịch sử, tuyển Việt Nam chưa từng thi đấu nhuần nhuyễn với lối đá đầy hiện đại này. Nhưng chúng ta giờ đã làm được, không ngừng nghỉ xuyên suốt 90 phút. Malaysia và Indonesia, những đối thủ luôn được coi là cùng mâm với Việt Nam, giờ chỉ biết thu mình phòng ngự.
Hình ảnh biểu tượng cho chênh lệch về vị thế này giữa Việt Nam và Indonesia có thể gói gọn trong các pha ăn vạ của đối thủ ở những phút bù giờ.
Ba lần cáng được khiêng vào sân đều là cho những cầu thủ Indonesia ngã lăn ra câu giờ. Chỉ cần đội ngũ y tế đưa cáng ra bên ngoài, cầu thủ Indonesia lại bật dậy như chưa có chuyện gì xảy ra để chạy vào sân phòng ngự tiếp.
Nhìn vào mặt trống của cốc nước vơi, tuyển Việt Nam rõ ràng chưa đủ độ lạnh để kết liễu đối thủ yếu hơn dù dồn ép toàn diện. Chỉ một cú đá trúng đích trong 21 lần dứt điểm rõ ràng là quá ít với sự chênh lệch mà chúng ta đã tạo ra về thế trận.
Có nhiều nguyên nhân lý giải việc này. Indonesia không giấu ý định và thực tế đã phòng ngự với 9 cầu thủ trước
Trong toàn bộ thời gian trận đấu, tuyển Việt Nam chỉ có 7 cầu thủ làm nhiệm vụ luân chuyển bóng để tấn công vào khối phòng ngự 10 người (tính cả thủ môn) này. Phòng ngự dễ hơn tấn công là quy luật luôn đúng trong bóng đá.
Chỉ cần các cầu thủ phòng ngự giữ đúng cự ly và bịt kín khu vực quanh vùng cấm, việc xuyên phá không hề đơn giản. Trên bình diện bóng đá thế giới, các HLV hàng đầu đã đưa ra nhiều ý tưởng xuyên phá khối phòng ngự low-block cực đoan kiểu này bằng sơ đồ 3 trung vệ.
Một trong số đó là yêu cầu các trung vệ lệch biên chơi dâng cao, áp sát, thậm chí xâm nhập vùng cấm đối phương để tạo rối loạn. Hiểu đơn giản: thay vì 7, đội tấn công sẽ có 8 cầu thủ tràn sang khu vực sát vùng cấm để tạo thêm áp lực
Chelsea của Thomas Tuchel là đội làm cực giỏi điều này với mũi khoan Antonio Rudiger. Cuối tuần trước, hậu vệ người Đức dâng cao tấn công và tạo ra 2 quả phạt đền để "The Blues" thắng Leeds 3-2. Kyle Walker, một hậu vệ phải, cũng từng được Pep Guardiola đẩy vào đá trung vệ lệch phải để tận dụng khả năng xuyên phá vào vùng cấm các đối thủ chơi phòng ngự tử thủ.
Tại Italy, Alessandro Bastoni, Federico Dimarco của Inter Milan là những cầu thủ đá trung vệ nhưng thường xuyên dâng cao để tạo lợi thế quân số nhằm khoan phá hàng phòng ngự đối thủ.
Dĩ nhiên, yêu cầu các trung vệ tuyển Việt Nam làm điều này không đơn giản. Nhưng chỉ riêng việc trung vệ lệch Duy Mạnh thường xuyên dâng cao tràn sang phần sân đối thủ để áp sát, phạm lỗi chiến thuật và phối hợp với tiền vệ và hậu vệ biên đã giúp tuyển Việt Nam vùi dập Malaysia 3-0, tạo ra thế trận đàn áp đối thủ khó chịu này.
Nói vậy để thấy sự dịch chuyển về chiến thuật hiện đại vẫn còn khá chậm ở khu vực Đông Nam Á. Chúng ta cần thêm thời gian để các cầu thủ thích nghi với hơi thở mới của bóng đá hiện đại.
Dù sao trận hòa Indonesia cũng chưa mang màu sắc tai hại. Ở lượt cuối, thầy trò HLV Park chỉ phải gặp Campuchia yếu hơn và chắc chắn đã bị loại trong khi Indonesia phải tử chiến với kình địch Malaysia.
Khả năng Indonesia mất điểm ở trận này là khả dĩ. Và nhiệm vụ ghi nhiều bàn nhất có thể vào lưới Campuchia sẽ phải được tuyển Việt Nam thực hiện để đi tiếp với ngôi đầu.
Đó cũng có thể là trận đấu thầy Park thử nghiệm những phương án mới để chuẩn bị cho các đối thủ phòng ngự tử thủ như Indonesia. Vị thế mới ở sân chơi khu vực đôi khi cần chi phí là những trận hòa như tối qua.
Highlights AFF Cup 2020: Indonesia 0-0 Việt Nam Các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo chơi lấn lướt nhưng không thể chọc thủng lưới tuyển Indonesia ở lượt trận tối 15/12.
Việt Nhật