Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của đất nước. Đến nay, thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp Nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục-thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của Nhân dân.
Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn quốc có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao sau một thời gian chuyển đổi cơ chế, nay đã từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, kiến trúc đẹp được xây dựng thêm; hệ thống công trình thể dục, thể thao được xây dựng gần trường học, gần chung cư, phục vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân ở cơ sở.
Đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý (thiết chế văn hóa, thể thao các cấp): Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa đạt tỉ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt tỉ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỉ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hóa đạt tỉ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỉ lệ 49,5%); Gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, 11.923 cụm sân thể thao khác như: Trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao.
Về các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh, huyện quản lý như: Sân tập luyện gồm có 627 sân điền kinh; 10.101 nhà tập; 4.110 sân bóng đá 11 người; 3.270 sân vận động không có khán đài, 2.850 sân bóng rổ, 29.012 sân cầu lông và đá cầu, 4.843 sân quần vợt; 306 bể bơi có kích thước dưới 25x 50 mét, 766 bể bơi 25m3; 997 bể bơi dưới 25m3, 1510 bể bơi lắp ghép, 176 bể bơi trong nhà...
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đất dành cho thể thao vẫn còn nhiều, chưa được đưa vào khai thác, đầu tư, sử dụng, những nơi có mật độ dân số đông đảo chưa dành đất cho thể thao để dân cư được tập luyện bởi cơ chế còn nhiều tồn tại.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng: “Để đưa quỹ đất dành cho thể thao được khai thác, đầu tư, sử dụng thì phải áp dụng mô hình đối tác công – tư. Đây là một trong những giải pháp then chốt giúp hoàn thiện mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia. Bởi trong Luật Thủ đô 2024, chúng tôi xác định rất rõ mô hình đối tác công-tư (PPP) xây dựng các trung tâm thể thao đẳng cấp quốc tế phục vụ cho các giải đấu lớn ở từng khu vực, địa điểm. Theo đó, quy hoạch chung và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Quốc hội phê duyệt, chúng tôi đã hiện thực hóa vấn đề này cả về đất, chính sách để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương, Thành phố, quốc tế trên địa bàn thủ đô".
Việc Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, chính là cơ hội để các tỉnh, thành nhanh chóng có được những công trình xây dựng cho thể thao, phục vụ nhân dân, phát triển mạng lưới cơ sở thể thao, đạt mục tiêu 100% đơn vị hành chính cấp xã có công trình thể thao; 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao.
Mai Hoa