Khoan dung với những đội có thiện chí
9 câu lạc bộ đã rút khỏi Super League bao gồm Man United, Man City, Chelsea, Arsenal, Tottenham, Liverpool (Anh), AC Milan, Inter Milan (Italia) và Atletico Madrid (Tây Ban Nha) đã đệ trình "Tuyên bố cam kết" với UEFA. Theo đó, nhóm này cam kết tuân thủ các quy luật của giải đấu vô địch quốc gia và Liên đoàn bóng đá quốc gia, đồng thời không tái phạm "sai lầm Super League".
Tuy nhiên, án phạt là điều không thể khác, bởi đó là sự công bằng với các đội bóng không có ý tham dự Super League. UEFA ghi nhận thái độ hối lỗi của 9 đội bóng đã sớm rút lui khỏi dự án, và cũng chứng minh bằng hành động thiết thực.
Hôm 7.5 (giờ địa phương), Liên đoàn bóng đá Châu Âu công bố án phạt, giữ lại 5% doanh thu mà 9 câu lạc bộ vốn sẽ được nhận trong 1 mùa giải. Ngoài ra, nhóm này cũng sẽ phải nộp tổng cộng 15 triệu Euro cho mục được gọi là "cử chỉ thiện chí" nhằm mang lại lợi ích cho trẻ em, thanh thiếu niên và bóng đá địa phương.
"Các biện pháp trừng phạt là rất quan trọng nhưng UEFA không giữ lại án phạt tài chính. Tất cả số tiền sẽ được tái đầu tư vào các trẻ em, thanh thiếu niên và những cơ sở bóng đá địa phương trên khắp Châu Âu", Chủ tịch UEFA - Aleksander Ceferin khẳng định.
Theo ông Ceferin, 9 câu lạc bộ sớm rút lui khỏi ESL đã nhận ra sai lầm và chứng minh thiện chí bằng cách cam kết tương lai với bóng đá Châu Âu. Đồng hành cùng những dự án phát triển bóng đá trẻ của UEFA là cách chuộc lỗi khôn ngoan nhất, và cũng "tẩy trắng" nhanh nhất. Đổi lại, chỉ 5% doanh thu cũng là mức phạt quá ưu đãi mà UEFA chịu nhún nhường.
Ngăn chặn những Super League 2.0
Bên cạnh án phạt tài chính, 9 câu lạc bộ đã rút khỏi Super League cũng phải thỏa thuận chấp nhận chịu phạt 100 triệu Euro nếu lặp lại sai lầm tương tự, hoặc 50 triệu Euro nếu vi phạm bất kỳ cam kết nào khác với UEFA.
Đó được xem là cách ngăn chặn những cuộc khủng hoảng "Super League 2.0" trong tương lai. Thực tế, mức phạt 100 triệu Euro đủ khiến các đội phải suy nghĩ trước khi ra quyết định, nhưng để "chấm dứt mọi tham vọng" thì có lẽ chưa đủ sức nặng.
Một phép tính đơn giản, 100 triệu Euro từng là cái giá cho Hazard, Bale hoặc Pogba. Về cơ bản, đó chỉ số tiền có thể mua được 1 siêu sao. Và nếu đặt lên bàn cân, đánh đổi chỉ 1 siêu sao lấy cơ hội kiếm về hàng trăm triệu Euro (từ các dự án Super League khác), không khó để lựa chọn phần lợi nhuận lâu dài.
Ở một góc độ khác, tờ Der Spiegel (Đức) từng tiết lộ điều khoản "phí chia tay" mà 12 câu lạc bộ sáng lập ESL cùng thống nhất, đội nào rút lui phải nộp phạt 150 triệu Euro. Trong trường hợp Chủ tịch Florentino Perez vẫn kéo dài cuộc chiến pháp lý đến cùng, "quay xe" đứng về phía ESL lại tiết kiệm được 50 triệu Euro.
Đương nhiên, chỉ tiền phạt không phải là tất cả, nhất là khi người hâm mộ vẫn đứng số đông về phía Champions League hơn là Super League. Tuy nhiên, con số 100 triệu Euro có lẽ chưa phải một "ổ khóa" chắc chắn để ngăn chặn các "siêu giải đấu" trong tương lai. Mọi thứ sẽ cần được liên kết bằng những giao kèo, và hình phạt không chỉ là tài chính.
Điển hình, 3 câu lạc bộ hiện vẫn còn liên hệ với ESL gồm Real Madrid, Barcelona và Juventus đang bị chuyển hồ sơ sang Ủy ban Kỷ luật của UEFA, nhiều khả năng sẽ bị cấm tham dự Champions League một thời gian.