Bonucci chỉ là 1 trong 10 tân binh mà Milan mang về trong Hè này. Nhưng chính anh là điểm nhấn quan trọng nhất trong kế hoạch “đại phẫu” Rossoneri dưới thời những ông chủ Trung Quốc. Các Milanista như không tin vào điều mình thấy là sự thật trong ngày Bonucci ra mắt San Siro. Với anh, họ đã có trong tay một trung vệ thép xuất sắc nhất kể từ sau thế hệ của Paolo Maldini, Nesta và Cannavaro.
Người Milan lúc ấy đã tin rằng chỉ cần có tiền họ sẽ có tất cả. Giống như cách mà Berlusconi từng mang Ruud Gulit và Van Basten về San Siro vào những năm cuối thập niên 80. Cả Italia nghiêng mình trước sức nặng của đồng tiền. Một nửa thành Milan như đảo điên, mọi ánh mắt của các tifosi đều hy vọng sắc đỏ-đen sẽ trở lại với những gì đã từng là niềm tự hào của nó.
Điều đó càng được tin tưởng hơn khi khởi đầu của Bonucci diễn ra vô cùng thuận lợi. Con thuyền AC Milan lần lượt vượt qua các chướng ngại đầu tiên ở Europa League và những vòng đấu mở màn Serie A mùa giải mới bằng các chiến thắng “hủy diệt”.
Thể nhưng chỉ 2 tháng sau, người hâm mộ ngỡ ngàng khi nhìn vào bộ dạng của Rossoneri. Một thứ bóng đá mong manh, thiếu gắn kết và rất dễ thủng lưới. Bonucci bị chấn thương ư? Không, anh vẫn ở đó nhưng đã không còn là chính mình.
1. Bonucci làm thay đổi triết lí của Montella:
Cựu Giám đốc của CLB Napoli và Udinese, Pierpaolo Marino, cho rằng, CLB AC Milan đã cảm thấy hối hận vì đầu tư 42 triệu euro để mua Leonardo Bonucci, bởi HLV Vicenzo Montella phải thay đổi sang chiến thuật 3 trung vệ vì sự có mặt của anh. Thậm chí, theo ông, Milan nên dùng số tiền này để mua tiền đạo thì tốt hơn.
Việc mua được trung vệ Bonucci và tiền vệ người Argentina Lucas Biglia cũng tạo nên hệ lụy khi làm thay đổi toàn bộ kế sách chuyển nhượng trước đó, cũng như thay đổi cấu trúc đội hình và thậm chí chiến thuật mà Montella dự tính.
Có một sự thật không thể che giấu là sự có mặt của Bonucci đã làm thay đổi hệ thống phòng ngự 4 người của Montella, khiến các cầu thủ mới mua về có nguy cơ bị đẩy lên băng dự bị. Montella dự tính bộ tứ phòng thủ bao gồm Andrea Conti, Mateo Musacchio, Alessio Romagnoli và Ricardo Rodriguez.
Đơn giản bởi Bonucci đã quá quen khi đá với hàng thủ 3 trung vệ trong màu áo Juventus và cả ĐT Italia. Ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG, Bonucci đều là trái tim trong sơ đồ 3-5-2 trứ danh.
Vì vậy nhằm phát huy tối đa khả năng của Bonucci, Montella đã phải để Musacchio, Romagnoli đá cùng Bonucci với hy vọng hình thành hàng thủ chặt chẽ và giàu kỹ thuật. Thế nhưng dường như có gì đó thiếu thiếu ở đây, nhiều người đang tự hỏi những trụ cột như đội phó Abate và Bonaventura đang ở đâu?
Mọi thứ ở San Siro đã thay đổi chóng mặt kể từ ngày Bonucci đặt chân đến nhưng điều đó lại không đồng nghĩa với những chiến thắng.
Tất nhiên là nếu đặt Abate ở cánh trái, thì Rodriguez có thể phải ngồi dự bị và lui về cạnh tranh vị trí với Musacchio. Cũng vì Milan chuyển sang hàng thủ 3 người, hậu vệ cánh Mattia De Sciglio phải chuyển sang Juventus.
2. Bonucci – Con hổ có lá gan chuột nhắt:
Bonucci ở Milan khác rất nhiều với chính anh khi còn ở Juventus. Chàng trung vệ thép ngày nào giờ phải oằn mình trên vai quá nhiều áp lực. Áp lực từ số tiền chuyển nhượng, áp lực từ vai trò của một người đội trưởng và áp lực từ sự kỳ vọng của HLV, của đồng đôi, các ông chủ và CĐV.
Những gì mà AC Milan bỏ ra để mang anh về có thể chưa thấm tháp nếu anh đến nước Anh nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để chính bản thân Bonucci phải tự dặn lòng về thành tích của bản thân và toàn đội. Bởi anh thừa biết các ông chủ Trung Quốc không phải chỉ đầu tư suông và sẵn sàng “ném tiền qua cửa sổ”. Mức lương ban đầu của Bonucci ở AC Milan là 7,5 triệu euro/mùa, và có thể lên đến 10 triệu euro/mùa tùy vào thành tích thi đấu - một con số không tưởng cho một trung vệ đã 30 tuổi ở Italia. Trong khi mùa giải vừa qua, lương của Bonucci tại Juventus là 3,5 triệu euro/mùa.
Ở Milan, anh không chỉ lèo lái một hàng phòng ngự chưa quen với lối chơi mới và những đồng đội mới mà còn đóng vai trò của một người đội trưởng, phải biết động viên, vực dậy tinh thần của toàn đội.
Thế nhưng có lẽ AC Milan đã quá vội vàng khi để Bonucci làm đội trưởng thay vì một cầu thủ đã gắn bó lâu năm với toàn đội như: Suso, Montolivo hay Bonaventura. Áp lực đó khiến anh không thể tự vực dậy chính bản thân trước khi cổ vũ các đồng đội đứng lên chiến đấu. Bonucci với tấm băng đội trưởng hoàn toàn bất lực trước Ciro Immobile trong trận thua 1-4 của Milan trước Lazio. Chiến thắng 3-2 trước Rijeka tại Europa League cũng chứng kiến sai lầm của Bonucci khiến Milan bị thủng lưới 2 bàn liên tiếp trong vòng có 6 phút.
Chính từ những áp lực đó mà Bonucci đã đánh mất những gì tinh túy và quý giá nhất trong kỹ năng tưởng chừng đã ăn vào máu của anh. Không chỉ phòng ngự tệ, cả những pha chuyền dài phát động tấn công vốn là thương hiệu của Bonucci cũng không được phát huy.
Bonucci từ một hòn đá tảng nơi hàng phòng ngự đã bỗng chốc hóa thành con hổ giấy, một người thủ lĩnh trên giấy chỉ khiến nhưng Juvetini cười thầm trong bụng khi đối thủ của họ tưởng chừng đã có thể rút ruột, nhằm lấy sức mạng để bổ sung cho mình nhưng cuối cùng cái mà Milan nhận được lại chỉ là sự “hữu danh vô thực”.
Pierpaolo Marino, cựu giám đốc của Napoli và Udinese từng nhận xét: “Nếu BLĐ Milan có thể quay ngược thời gian thì tôi nghĩ họ sẽ mua một tiền đạo hàng đầu thay vì Bonucci. Milan sẽ thất vọng khi mua cậu ta”