Tuyệt vọng để tái sinh
Italia chính thức ngồi nhà xem World Cup sau 60 năm. Trên sân San Siro rạng sáng qua đã chứng kiến những giọt nước mắt tuyệt vọng của Buffon, những gương mặt thất thần của Ciro Immobile, Leonardo Bonucci... Đúng, người Italia đang mất niềm tin vào đội tuyển rất nhiều. Sáng nay trên trang chính của nhật báo Corriere Dello Sport đã giật một dòng tít đau đớn: “Chúng ta ở nhà!”
Tràn ngập các đầu báo lớn tại xứ sở mì ống là những hình ảnh, bình luận tỏ vẻ thất vọng trước màn trình diễn của thầy trò Gian Piero Ventura. Nhưng có một điều mà các tifosi phải hiểu rằng họ đang hưởng một đặc ân lớn của Thượng đế. Họ được trải qua những chuỗi ngày đau đớn tột cùng và có quyền chấp nhận mình đã sai.
Vô địch World Cup 2006 nhưng đến 2010, Italia bị loại ngay từ vòng bảng. Azzurri mở đầu 2 trận vòng bảng đều hòa, sau đó gục ngã cay đắng 2-3 trước Slovakia. Họ trở thành cựu vương một cách cay đắng.
Thật sự Italia đã không còn mạnh như xưa nhưng họ đã không thay đổi gì cho đến trận chung kết Euro 2012. Họ thua chóng vánh người Tây Ban Nha và cúi mặt trước lối đá tiqui-taka của đối thủ.
Và tiếp tục dừng chân ở vòng bảng World Cup 2014, khi ấy Azzurri được cảnh báo rằng họ đã sụp đổ thật sự. Nhưng mọi thứ không có gì thay đổi cho đến khi họ trận thua cay đắng trước Đức tại tứ kết Euro 2016.
Và bây giờ người La Mã lại ôm hận một lần nữa khi tự gạch tên mình ra khỏi cuộc chơi lớn nhất hành tinh vào năm 2018. Hãy chấp nhận rằng họ đã thật sự sa sút cách đây 7 năm về trước chứ không phải mới hôm nay. Nhìn thấy các tuyển thủ gục mặt và thất thần đi trên sân cỏ San Siro, không ít tifosi đau đớn. Nhưng đôi khi đây là cách duy nhất để tuyển Thiên Thanh có cơ hội nhìn lại và thật sự chấp nhận mình đã đánh mất chính mình quá lâu.
Chỉ còn cách chọn nỗi đau tột cùng để hiểu rằng Azzurri cần lắm sự cải tổ. “Sau cơn mưa trời lại sáng”, đau đến khi nào chết thật sự mới biết rằng cần đến lúc tái sinh.
Sai rồi sao nữa?
Hiện tại để buộc liên đoàn bóng đá Italia đưa ra câu trả lời ngay rằng họ phải cải tổ như thế nào, mời ai thay thế Ventura hay đào tạo trẻ với lộ trình ra sao thì có lẽ quá khó. Việc duy nhất mà tifosi, truyền thông và bản thân các tuyển thủ lúc này là khóc đi cái đã.
Họ phải khóc hết hôm nay để chấp nhận rằng ngày mai sẽ không còn Buffon trong khung gỗ, chẳng còn bộ đôi lão tướng Daniele De Rossi và Andrea Bazagli. Họ phải chấp nhận hàng thủ lừng danh BBC đã tan vỡ lâu rồi.
Và điều quan trọng ngay lúc này là ai muốn ra đi hãy cứ cho họ ra đi. Đã đến lúc tạm biệt các lão tướng để đón thêm những tài năng mới. Italia của Euro 2020 và World Cup 2022 là phải trẻ và phải có chiến lược.
Cũng như đội tuyển Tây Ban Nha đâu đơn giản có được đỉnh vinh quang tại Euro 2008, 2012 và World Cup 2010. Họ từng được gọi là “vua vòng loại” khi không định hình được lối chơi riêng. Nhưng khi có tiqui-taka, Tây Ban Nha khác hẳn. Họ độc chiếm thế giới gần 5 năm từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia.
Đó là trường hợp của Tây Ban Nha. Còn một đội tuyển khác là Đức, trước đây họ từng “chết” trước ngưỡng cửa thiên đường. Ví như ở năm 2008, họ cúi đầu trước Tây Ban Nha để chấp nhận làm Á quân châu Âu. Nhưng với thành quả của đào tạo trẻ và lối đá đậm chất Đức của HLV Joachim Löw đã đưa họ lên ngôi vô địch World Cup 2014.
Tây Ban Nha và Đức chỉ khác Italia một điều là họ biết sai và sửa ngay từ đầu. Còn Azzurri vẫn cố chấp sống với cái sai và đến nay họ phải đau đớn thế này. Nhưng có gì phải sợ, Italia!
Nỗi đau luôn có hai mặt. Đau sẽ là con người chết đi và từ bỏ tất cả. Nhưng nếu một khi bạn không bị nỗi đau đó giết chết thì bạn sẽ trở nên khác biệt và tái sinh một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Buồn cứ khóc, đau cứ than nhưng đừng chết trong vũng bùn mãi mãi. Hãy đứng lên ngay sau khi nước mắt đã cạn, các tifosi đủ kiên nhẫn để chờ các bạn vào Euro 2020 đó thôi!