5 tháng trước, giới chủ MU lo lắng trước sự phản ứng dữ dội của người hâm mộ về Super League. Phải làm gì để lấy lại thiện cảm của người hâm mộ? Khi Chính phủ Anh thông báo mở cửa trở lại các sân bóng, khá ngạc nhiên, nhiều ông lớn ở Ngoại hạng Anh lại lo lắng. Dư âm sự chống đối của người hâm mộ vẫn còn, ác cảm là có thật với MU, Liverpool, Chelsea, Man City, Tottenham và Arsenal từ chính CĐV nhiệt thành của nhóm Big six. Rất khó để lấy lại niềm tin, sự ủng hộ của người hâm mộ nhưng 6 đại gia trên đã hành động một cách đơn giản: Chi thật nhiều tiền để đám đông CĐV hài lòng, tiêu biểu như cái cách Chelsea, Man City chi gần 200 triệu bảng Anh cho R.Lukaku và J.Grealish.
Những bản hợp đồng "bom tấn" từ những ông chủ người Nga, Ả Rập, Mỹ, khác nào liều thuốc xoa dịu những trái tim dễ bị tổn thương. Thay vì phản đối nhao nhao như trận đấu siêu cúp mở màn mùa giải, CĐV Chelsea đã “yêu lại từ đầu” như không hề có sự giận dữ, oán trách. Thành ra, sự đầu tư nhân lực ồ ạt của các đại gia trên tưởng đắt lại hóa rẻ. Những món hàng hiệu đã phát huy giá trị tức thời. C.Ronaldo chưa chào sân Old Trafford, cổ phiếu của MU đã tăng ầm ầm. Trên sàn chứng khoán New York là sắc xanh cho Quỷ đỏ, còn trên mặt cỏ “Nhà hát của những giấc mơ” là biển đỏ người hâm mộ.
Với CR7, giới chủ Mỹ đã có một hoạt chất quý hiếm, dư sức giúp người hâm mộ MU dịu lại vết thương lòng. MU cũng cho thấy họ được đền đáp xứng đáng khi “chung tình” với C.Ronaldo. Ngôi sao người Bồ Đào Nha chỉ cần vài tiếng đồng hồ để ra quyết định trở về mái nhà xưa. Ai cũng có thể nói “tôi đã tác động để CR7 trở về Old Trafford”, nhưng tin rằng, chỉ có hai người thực sự đủ sức nặng để C.Ronaldo nghe theo trong thương vụ này: Sir Alex và người đại diện J.Mendes. Phần còn lại là việc của nhà Glazer, viết chi phiếu cho Juventus.
MU tốn bộn tiền cho thương vụ này nhưng hình ảnh của ông chủ nhà Glazer trở nên dễ chấp nhận hơn trong mắt người hâm mộ.
KHOA MINH