Ngôi sao đang lấn quyền?
Việc cầu thủ gợi ý và thuyết phục bạn của họ đến thi đấu cùng CLB đã không còn quá xa lạ nữa. Cũng như kỳ chuyển nhượng hè năm 2016, Messi đã thuyết phục người bạn đồng hương Di maria về Barca thi đấu cùng anh.
Tháng 8/2017, Messi cũng là người lên tiếng “năn nỉ” Neymar ở lại Barca: “Giờ cậu muốn gì nào? Quả Bóng Vàng chứ gì? Ở lại đi, anh chắc chắn sẽ giúp cậu có được nó.” Hoặc cũng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua khi MU và Chelsea đều cùng theo đuổi tiền đạo Morata thì các cậu học trò của Mourinho đã cùng nhau thuyết phục tiền đạo này.
Cụ thể De Gea đã viết lên Twitter rằng: "Tôi đã nghe thông tin M.U quan tâm đến cậu ấy, thật vui mừng nếu được nhìn thấy cậu ấy ở Old Trafford. M.U là một đội bóng giàu truyền thống và có khả năng cạnh tranh những danh hiệu lớn, tôi nghĩ rằng sự nghiệp của Morata sẽ được nâng tầm nếu đến M.U".
Và Herrera cũng vui vẻ mời gọi tiền đạo người Tây Ban Nha: “Tôi rất nóng lòng được nhìn thấy cậu ấy khoác lên mình chiếc áo của M.U"
Cầu thủ thuyết phục hoặc mời các bạn bè của họ đến thi đấu cùng là điều quá sức bình thường và thể hiện sự thân thiện của họ. Nhưng dường như sự việc đang đi quá giới hạn của nó.
Gần đây Iniesta và tiền vệ Ivan Rakitic công khai ngăn chặn Barca đưa Coutinho về sân Camp Nou. Và điều đó làm dấy lên dư luận cho rằng Iniesta đang lo lắng Coutinho sẽ đe dọa vị trí của anh.
Hoặc căng thẳng hơn là vụ việc Ronaldo muốn Real bán Gareth Bale càng sớm càng tốt. Điều này càng thể hiện mối quan hệ của hai cầu thủ này đang gặp vấn đề không thể hòa giải và truyền thông đang đặt dấu hỏi lớn về sóng ngầm trong nội bộ của Real.
Liệu đây có còn dừng ở lại ở việc các cầu thủ tôn trọng sự dân chủ để lên tiếng nói giúp CLB chuyển nhượng thành công nữa hay không hay đây dần trở thành tham vọng bá quyền của những ngôi sao?
Dân chủ và bè phái
Ban đầu khi nhắc đến hai khái niệm dân chủ và bè phái thì hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng có vẻ với việc các ngôi sao đang tự tung tự tác can thiệp chuyển nhượng của CLB thì thật đáng ngại.
Họ nghĩ đó là dân chủ. Nhưng mục đích thật sự lại đề cao lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Iniesta lo ngại mất vị trí vào tay Coutinho và Ronaldo mang mẫu thuẫn cá nhân giữa anh và Bale để đưa ra ý kiến “đuổi” đồng đội.
Họ đang nghĩ rằng mình là ngôi sao có cống hiến và đang nắm giữ khá nhiều chiến công cho CLB nên mặc sức “một tay che trời”. Trước đây, đội trưởng John Terry từng nói bóng gió rằng Chelsea nên thanh lọc đội hình vào tháng 12/2015 sau khi Mourinho bị sa thải. Nhưng việc đó chỉ dùng lại ở mức độ cảnh cáo đồng đội để họ thi đấu nghiêm túc hơn mà thôi.
Nhưng hiện nay các cầu thủ dù không phải đội trưởng họ vẫn tự cho mình có quyền được làm áp lực đến CLB và HLV để sa thải một cầu thủ và không cho một ai đó đến thi đấu. Đây là biểu hiện của bè phái trong tập thể đội bóng.
Có lẽ nếu một tập thể quá dễ dàng với khái niệm dân chủ thì có thể từng cá nhân sẽ mượn đặc quyền này để thể hiện cái tôi cá nhân muốn thống trị đội bóng.
Thật trùng hợp rằng hai đội bóng hàng đầu Tây Ban Nha đang rơi vào tình trạng hiểu sai về dân chủ này. Có lẽ phần nào cũng phản ánh được tình trạng nội bộ của hai đội bóng đang âm ỉ phân chia quyền lực và nổi lên những mối quan hệ “bằng mặt không bằng lòng”.