Các kỳ thủ đẳng cấp luôn cư xử như những quý ông, dù cờ vua không hẳn là môn thể thao quý tộc. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ.
Cuộc đối đầu giữa Bobby Fischer và Boris Spassky tại trận tranh ngôi vô địch thế giới năm 1972 được tờ New York Times bình chọn là “Trận đấu thế kỷ”. Không chỉ bởi tính chất chính trị giữa hai phe Mỹ - Nga khi đó, cũng như tài năng của hai kỳ thủ, mà còn bởi những phản ứng kỳ lạ từ người thách đấu Bobby Fischer.
Sau khi thất bại ở ván đầu tiên, kỳ thủ người Mỹ đã bất ngờ bỏ cuộc ở ván kế tiếp, vì những yêu cầu của ông không được ban tổ chức đáp ứng. Fischer muốn loại bỏ tất cả những chiếc máy ghi hình ở xung quanh, cũng như các khán giả ngồi theo dõi trực tiếp trong khán phòng. Có vẻ như những tiếng thở mạnh của khán giả cũng khiến ông mất tập trung.
FIDE không thể thỏa hiệp với những đề nghị chỉ đến từ một phía, khiến cho Fischer tức tối, tìm cách đặt vé máy bay để về Mỹ (cuộc đấu diễn ra tại Iceland). Tình thế chỉ được xoa dịu khi đích thân Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger gọi điện nói với Fischer rằng: “Nước Mỹ muốn cậu đánh bại những người Nga”. Tác động từ Kissinger đã phần nào giúp Fischer điềm tĩnh trở lại, để rồi lội ngược dòng giành chiến thắng chung cuộc sau 21 ván đấu (12.5-8.5).
Với phong cách tấn công đậm tính chiến thuật và sự tinh tường ở thế cờ tàn, Fischer được chờ đợi sẽ bảo vệ danh hiệu vô địch thế giới trong một thời gian dài. Trước thềm trận đấu bảo vệ ngôi vương đầu tiên gặp Anatoly Karpov năm 1975, Fischer lại đề xuất một số thay đổi lên FIDE, trong đó ông muốn hai bên sẽ thi đấu cho đến khi có người đạt 10 chiến thắng (không tính những ván hòa). Nếu tỷ số 9-9 xuất hiện, phần thắng sẽ thuộc về nhà đương kim vô địch thế giới, tức là... ông. Diễn giải theo cách khác, Karpov phải thắng cách biệt ít nhất hai ván (10-8) thì mới lật đổ thành công Fischer. FIDE dĩ nhiên đã không đồng tình với phương án này. Cựu vương Mikhail Botvinnik, thầy của Karpov, giận dữ coi đó là đòi hỏi phi thể thao từ Fischer.
Yêu cầu một lần nữa không được đáp ứng, Fischer không tham dự trận đấu. Ông đánh điện gửi Chủ tịch FIDE với một thông báo chỉ khoảng ba dòng, tuyên bố từ bỏ danh hiệu vô địch thế giới.
Cũng với một lối chơi thiên về tấn công, hiểu tường tận những thế cờ tàn và là bậc thầy về chiến thuật, Magnus Carlsen đang được ví là truyền nhân của kỳ thủ người Mỹ, cả về những cách ứng xử kỳ lạ.
Carlsen có tài năng và vẻ ngoài bảnh bao, nhưng cũng sở hữu một cá tính mạnh.
Sau bảy ván đầu tiên toàn hòa ở trận đấu bảo vệ chức vô địch thế giới với người thách đấu Sergey Karjakin hồi cuối năm ngoái, Carlsen thua ở ván đấu thứ tám, dù có lợi thế đi trước. Ở buổi họp báo sau trận đấu, Carlsen có mặt trước. Sau vài giây chờ đợi mà không thấy đối thủ xuất hiện, kỳ thủ người Na Uy đứng dậy, vẫy tay tức giận và bỏ về. Hành động đó của Carlsen khiến ngay cả những người hâm mộ anh phải thất vọng. Carlsen bị FIDE phạt tới hơn 22.000 đôla vì vi phạm nội quy của ban tổ chức.
Carlsen dường như không chịu được thất bại. Không ít lần anh bày tỏ sự giận dữ sau mỗi trận thua bằng cách dậm mạnh chân xuống sàn, đấm lên không trung hay ném đi những chiếc bút. Kỳ thủ sinh năm 1990 thậm chí từng hét lên “Mẹ kiếp!” bằng tiếng Na Uy, sau một trận thua ở giải vô địch cờ chớp thế giới năm 2015.
Cũng như Fischer, Carlsen không phải một người thân thiện với giới truyền thông. Trong các cuộc phỏng vấn, anh thường không nhìn trực tiếp vào người hỏi, chỉ trả lời một cách ngắn gọn, qua loa với điệu bộ khinh bỉ và có phần vô lễ. Tạp chí Vice danh tiếng thậm chí từng viết về người đang giữ danh hiệu “Vua cờ” từ năm 2013 với hàng tiêu đề: “Magnus Carlsen, nhà vô địch cờ vua thế giới, có vẻ như là một thằng khốn”. Trong đó, tác giả bài viết thừa nhận là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Carlsen, nhưng ông đã thất vọng toàn tập trong lần đầu tiên phỏng vấn thần tượng.
Vẫn có những ý kiến trái chiều về nhân cách kỳ lạ của Fischer hay Carlsen. Không ít người ủng hộ và đề cao cá tính mạnh của họ, nhưng đa số xem hai kỳ thủ vĩ đại này là những kẻ lắm tài nhiều tật nhất mà làng cờ từng sản sinh
Theo vnexpress.net