Trong hơn một thập kỷ qua cầu lông Việt Nam vẫn chưa thể có gương mặt thay thế xứng đáng cho Nguyễn Tiến Minh.
Năm 2002 Tiến Minh chính thức được thi đấu chuyên nghiệp và có tên trong danh sách của Liên đoàn cầu lông thế giới BWF. Trong vòng 7 năm, thứ hạng của Tiến Minh đã tăng vượt bậc.
Từ vị trí 252 năm 2002, tới năm 2006, anh đã có mặt trong top 50 thế giới và tới đầu năm 2008, Tiến Minh đã có vị trí thứ 28 - vị trí vừa đủ để anh có một suất tại Olympic Bắc Kinh. Tới cuối năm 2008, sau một loạt danh hiệu và những nỗ lực, anh đã có mặt trong top 20 và tới đầu năm 2009, vị trí cao nhất của Tiến Minh là vị trí thứ 13.
Ở tuổi 33 những gì Tiến Minh làm được cho cầu lông Việt Nam là điều miễn bàn cãi. Năm 2009 Tiến Minh từng gây sốc khi đánh bại số một thế giới Lee Chong Wei, rồi sau đó lần đầu tiên vào top 10 thế giới nhờ chức vô địch Thái Lan mở rộng. Bốn năm sau tại giải VDDTG 2013, Tiến Minh đoạt tấm HCĐ lịch sử sau khi đánh bại nhiều đối thủ mạnh.
Cầu lông Việt Nam không có lứa kế thừa sau Tiến Minh. Ảnh: Internet.
Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là sau lưng Tiến Minh chẳng còn tay vợt nào đứng trong top 100 thế giới. Khoảng cách vời vợi giữa Tiến Minh và phần còn lại cho thấy cầu lông Việt Nam vẫn đang "thiếu trước hụt sau", không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng.
Từ vài năm nay cầu lông Việt Nam chỉ độc hành Tiến Minh chinh chiến ở các giải Super Series lẫn Grand Prix. Ngay cả giải Vietnam Open trên sân nhà hy vọng cũng được trao hết vào Tiến Minh (và Vũ Thị Trang), khi mà hầu hết các tay vợt tham dự đều bị loại từ rất sớm.
Có một thực tế là chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV chất lượng nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Nhiều gia đình không muốn con em mình theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp.
Tất nhiên, Việt Nam không thiếu tài năng nhưng rất ít tay vợt trẻ Việt Nam được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn. Nói cách khác, họ không được đầu tư một cách xứng đáng nhất để đi theo một lộ trình giống như những tay vợt hàng đầu thế giới.
Bài toán đào tạo VĐV trẻ để kế thừa Tiến Minh đã được cầu lông Việt Nam tính đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Điều đáng nói là cách mà cầu lông Việt Nam đang làm dù đúng phương pháp nhưng lại không có hiệu quả, chưa tới nơi tới chốn, mang tính cá nhân chứ không phải là quy mô rộng.
Sau Olympic Rio 2016 Tiến Minh nhiều khả năng sẽ giải nghệ. Có lẽ như lời của Tổng thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam Lê Thanh Sang từng khẳng định, có lẽ 20 năm nữa chúng ta cũng chưa có được một Tiến Minh thứ hai.
Theo tinthethao365.com.vn